Tiếng Việt | English

23/04/2016 - 05:28

Ưu đãi thuế không phải là cách duy nhất để thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư, chính sách thuế của Việt Nam đang có những ưu đãi quá “hào phóng” với các doanh nghiệp FDI mới thành lập.

Từ nhiều năm nay, để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính sách thuế của nước ta đã có những ưu đãi đặc biệt dành cho khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, không ít doanh nghiệp đến thời điểm hết ưu đãi thì ngừng hoạt động, công bố phá sản, hoặc sử dụng nhiều chiêu trò trốn, tránh thuế. Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp quản lý thuế một cách hiệu quả hơn cũng như chọn lọc trong ưu đãi thuế với doanh nghiệp FDI.

Metro Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi nhưng lại dùng nhiều chiêu trò để trốn thuế, chuyển giá. (Ảnh: Internet)

Hoạt động từ năm 2002, Metro Việt Nam – một tập đoàn bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất. Thế nhưng, trong 12 năm kinh doanh, tập đoàn này liên tục báo lỗ và chưa từng phải nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghịch lý là ở chỗ, mặc dù báo lỗ nhưng công ty này vẫn liên tục mở rộng hệ thống với 19 trung tâm trên cả nước. Khi bị thanh tra và truy thu thuế, tập đoàn lại bất ngờ thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi nhưng lại dùng nhiều chiêu trò để trốn thuế, chuyển giá.

Thực tế, chính sách thuế của Việt Nam đã có những ưu đãi “hào phóng” với các doanh nghiệp FDI mới thành lập, như mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm liên tục kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ưu đãi này được xem như một cách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Thúy, Trưởng phòng Chính sách và chiến dịch của tổ chức Actionaid Việt Nam, việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

“Các ưu đãi thuế, giảm thuế để thu hút doanh nghiệp FDI không thành công mà còn giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI không chỉ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp. Chỉ riêng năm 2012, số tiền mất đi do các doanh nghiệp FDI trốn thuế đã lên tới hơn 20 triệu USD, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá. Ước tính, số tiền thất thu thuế trong 1 năm này gần bằng số tiền chi cho giáo dục đào tạo trong 5 năm, từ 2008 – 2012”, bà Thúy cho biết.

Một con số khác cũng đáng chú ý, đó là kết quả điều tra của Tổng cục thuế năm 2013 có tới 83% doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp. Tại một số địa phương, 100% doanh nghiệp nước ngoài đều có sai phạm về thuế. Những thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế đang gây thất thu lớn đối với thu ngân sách nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, bên cạnh cam kết quốc tế, Việt Nam không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá và chỉ dựa vào ưu đãi thuế, đất đai.

“Chúng ta phải hoàn thiện quy trình quản lý nguồn thu để chống chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Kiểm soát doanh nghiệp FDI không phải vào để giữ chỗ hay tận dụng ưu đãi hỗ trợ mà là phải đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hậu kiểm phải sát sao, kịp thời, tạo ra hệ thống quản lý thuế điện tử liên ngành đồng bộ để chống thất thu thuế”, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.

Chính phủ cam kết tạo điều kiện ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu không chỉ là thu hút đầu tư nước ngoài mà còn mong muốn “giữ chân” các nhà đầu tư, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy cần phải rà soát lại các quy định luật pháp và đánh giá hiệu quả của việc ưu đãi thuế, từ đó đưa ra chính sách phù hợp, vừa thu hút đầu tư, nhưng cũng không dễ dãi để doanh nghiệp lợi dụng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nghi chuyển giá, trốn thuế như doanh nghiệp có quan hệ với công ty mẹ ở nước ngoài; doanh nghiệp sử dụng giấy phép độc quyền của công ty mẹ; hoặc có trụ sở tại các “thiên đường thuế”, nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

“Ngành thuế sẽ tích cực cùng với các cơ quan chức năng tăng cường hợp tác, phối hợp, xây dựng bộ phận quản lý rủi ro, giám sát, có thông tin cảnh báo từ xa để ngăn chặn. Ngành thuế cũng đã thành lập bộ phận thanh tra chống chuyển giá, giúp các địa phương quản lý tốt hơn đối với doanh nghiệp FDI, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh việc kiểm tra sự lợi dụng của doanh nghiệp khi thấy chính phủ đang có ưu đãi thuế cao. Nếu có dấu hiệu chuyển giá thì chúng ta sẽ đưa ra quy định xác định giá, thỏa thuận giá trước, đưa ra tỷ lệ thuế cao để tạo cơ sở nguồn thu cho tương lai”, ông Phụng nêu giải pháp.

Hiện nay một số nước trong khu vực như Indonesia, Philipines, Malaysia, mặc dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao, nhưng vẫn thu hút dòng vốn FDI lớn hơn Việt Nam, nhờ vào năng suất chất lượng lao động, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực chỉ ra thực tế: Ưu đãi thuế không phải là cách duy nhất để thu hút đầu tư.

Các chuyên gia khuyến cáo, chính sách thuế cần có ưu đãi chọn lọc cho những doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực khuyến khích phát triển. Đồng thời thực thi những biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với hành vi trốn tránh thuế qua các thủ đoạn tinh vi, chống thất thu ngân sách và tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

 

Chia sẻ bài viết