Tiếng Việt | English

01/04/2022 - 09:56

Vá víu di tích vì thiếu vốn trùng tu

Hàng chục di tích cấp Quốc gia ở Nghệ An đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi kinh phí để sửa chữa rất nhỏ giọt khiến công tác tu bổ di tích như muối bỏ biển.

Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 18 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ thành hoàng Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, đình Trung Cần (xã Trung Phúc Cường, H.Nam Đàn, Nghệ An) được giới chuyên môn đánh giá có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ở Nghệ An. Nghệ thuật chạm khắc ở ngôi đình này đạt đến trình độ tinh xảo, đề tài phong phú, đa dạng với hình tượng tứ linh, tứ quý, vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn đi cày, giã gạo, đánh cờ... Đình được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.

Đình Trung Cần đang bị xuống cấp sau gần 300 năm xây dựng

K.HOAN

Tuy nhiên, trải qua gần 300 năm với nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình này đang xuống cấp nặng nề. Ông Hồ Thanh Bình, người trông coi đình, cho biết khoảng 20 năm trước, đình đã được sửa chữa nhẹ một lần. Đến nay, mái ngói đã bị dột rất nhiều điểm khiến nước mưa thấm xuống rui, kèo, cột và các khung gỗ chạm trổ bên trong đình. Lá mái bằng gỗ phía sau tòa hạ điện bị hỏng, kéo theo mái ngói bị oằn xuống. “Trời mưa đến đây nhìn rất xót ruột. Dù toàn bộ gỗ của đình đều là gỗ lim, nhưng do thời gian đã lâu và bị thấm dột nên gỗ bị mục rất nhanh”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết xã đã nhiều lần báo cáo hiện trạng của đình và đề nghị sửa chữa, trùng tu, nhưng vẫn chưa có kết quả vì không có kinh phí.

Các bức chạm trổ tại đình Trung Cần

Cùng chung số phận, đền Rậm (xã Châu Nhân, H.Hưng Nguyên) cũng đang kêu cứu khi dự án trùng đã được phê duyệt từ năm 2014 đến nay vẫn nằm trên giấy. Ngôi đền này được xây dựng từ năm 1831 để thờ các vị thần và vị tướng của Lê Lợi. Đền Rậm là quần thể di tích, nghệ thuật độc đáo, chạm trổ công phu, được xếp hạng di tích quốc gia năm 2008.

Ông Phạm Văn Lục, người trông coi đền, cho biết đền đang bị xuống cấp nặng, trong đó riêng nhà tứ quan cấu kiện gỗ đã mục, ngói bị vỡ gây dột khi có mưa. “Chúng tôi rất lo lắng nhưng cũng không biết phải làm gì, chỉ mong sớm có dự án để trùng tu, sửa chữa trước khi quá muộn”, ông Lục nói.

Theo bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng ban Quản lý di tích Nghệ An, tỉnh hiện có 144 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có hơn 30 di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, mỗi năm ngành quản lý văn hóa chỉ được cấp vài ba tỉ đồng để sửa chữa các di tích xuống cấp. “So với nhu cầu trùng tu thì số kinh phí này chỉ như muối bỏ biển, không thể trùng tu mà chỉ dùng để sửa chữa, vá víu”, bà Phượng nói.

Cấu kiện gỗ, ngói đình Trung Cần bị hư hỏng

Gỗ tại nhà tứ quan đền Rậm đã bị mục

Năm nay, Ban Quản lý di tích Nghệ An được bố trí 4 tỉ đồng để phục vụ cho việc sửa chữa các di tích, được coi là “khấm khá” nhất trong những năm qua. Tuy nhiên, theo bà Phượng, từ đầu năm đến nay, ban đã nhận gần 20 lá đơn từ các địa phương gửi đến đề nghị bố trí kinh phí để sửa chữa di tích xuống cấp. Do không thể thực hiện hết các nhu cầu, nên ban phải thẩm định và bố trí kinh phí để cứu những di tích cấp thiết nhất.

Mỗi di tích chỉ bố trí được vài ba trăm triệu, việc sửa chữa là không hề dễ dàng trong khi nhu cầu trùng tu phải là hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho mỗi di tích. “Có những di tích, khi hạ giải để sửa chữa mới phát hiện nhiều cấu kiện gỗ đã bị mối mọt đục rỗng ruột, phải thay, khiến kinh phí đội lên. Chúng tôi lại phải năn nỉ nhà thầu bổ sung và cho nợ vì không còn nguồn để thanh toán”, bà Phượng cho hay.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, do nguồn lực của tỉnh khó khăn, trong khi chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa đã bị tạm ngừng trong mấy năm qua, nên Nghệ An rất chật vật trong việc bảo tồn di tích. Nguồn lực để trùng tu di tích ở Nghệ An thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa, từ sự đóng góp của người dân. Tuy nhiên, không phải di tích nào cũng huy động được sự đóng góp này, nên phải trông chờ vào kinh phí của Nhà nước./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết