Tiếng Việt | English

18/08/2021 - 15:40

Di tích lịch sử Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn: “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng

Hiện Khu di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn (ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) được trùng tu, nâng cấp khang trang, là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Theo tài liệu của Bảo tàng Long An, ông Võ Công Tồn sinh năm 1891, tại làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Cha mẹ ông là ông Võ Văn Suốt (Hương Cả) và bà Nguyễn Thị Hâm là những người hào hiệp, giàu có. Ông là người con duy nhất trong gia đình lại có tấm lòng yêu nước, chuộng lẽ phải, công bằng; được hấp thụ nền giáo dục tiên tiến của phương Tây. Vì là người con duy nhất trong gia đình nên ông không học tiếp mà trở về quê và kết hôn với bà Đào Thị Nhã - con gái của ông Đào Văn Thung, một thầy thuốc nổi tiếng ở quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Phần lớn cuộc đời của ông sống ở làng quê với nét văn hóa truyền thống của dân tộc và là người con rất mực thảo hiền với cha mẹ.

Từ khi được giác ngộ cách mạng, ông Võ Công Tồn nguyện đem hết tài sản của mình phục vụ cách mạng. Khu lò gạch của gia đình ông còn là nơi lưu trú và che chở cho nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (khi ông bị thực dân Pháp truy đuổi gắt gao); đồng thời, là nơi để nhà yêu nước viết báo công khai của Đảng lúc bấy giờ.

Khu di tích lịch sử Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn - nơi họp chi bộ đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn

Tại Gò Đen, ông tham gia thành lập Hội Khuyến học Nam kỳ do thầy giáo Dương Văn Gấm chủ trì. Ông đem gia sản của mình mua một chiếc tàu của Hoa Kỳ có tên “Đại phúc kinh” về sửa chữa làm phương tiện vượt biển cho số thanh niên Nam bộ sang Quảng Châu, Trung Quốc tham gia lớp đào tạo cán bộ do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Khu DTLS Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là cơ sở tin cậy của Đảng và phong trào yêu nước trước năm 1945. Các mốc lịch sử đáng nhớ như vào năm 1913, Nguyễn Hữu Trí thành lập “Hội kín” ở khắp các tỉnh miền Nam, trong đó nhà ông Võ Công Tồn là nơi luyện tập võ nghệ của nghĩa quân Thiên Địa Hội. Năm 1935, Chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại đây, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của cách mạng tỉnh Chợ Lớn nói chung và khu vực Trung Quận nói riêng. Năm 1937, hơn 40.000 tờ truyền đơn phản đối toàn quyền Brevie sang Việt Nam được rải khắp Tân An, Chợ Lớn, Mỹ Tho. Khu lò gạch còn là nơi nhà yêu nước tổ chức sản xuất, kinh doanh, lúc cao điểm, lò gạch có trên 300 công nhân hoạt động nhộn nhịp, cung cấp nguồn tài chính cho Đảng và các nhà yêu nước hoạt động cách mạng.

Bút tích của cố Giáo sư Trần Văn Giàu viết về ông Võ Công Tồn

Với những hoạt động yêu nước và phục vụ cho Đảng Cộng sản của mình, năm 1939, Thực dân Pháp tức tối kết án ông 4 năm tù giam, 10 năm cấm cư trú, tước quyền công dân 10 năm và đày đi nhà tù Tà Lài, sau đó ra Côn Đảo. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn luôn giữ vững khí tiết, nêu cao phẩm chất người chí sĩ cách mạng. Vì kiệt sức nên ông hy sinh ngày 16/6/1942 tại nhà tù Côn Đảo.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Lò Gạch - Trần Quang Thu cho rằng: “Tự hào về người chí sĩ yêu nước Võ Công Tồn, người dân chung sức, đồng lòng xây dựng Khu dân cư Lò Gạch ngày càng văn minh, lịch sự, nhất là góp phần xây dựng xã Long Hiệp sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Năm 2018, Khu DTLS Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn được xây mới khang trang, hàng năm đón tiếp nhiều đoàn đến tham quan, nhất là các em học sinh trong tỉnh về tham quan, học tập với mong muốn viết tiếp truyền thống lịch sử yêu nước của dân tộc./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết