Đền tưởng niệm được khởi công xây dựng vào năm 1997 và khánh thành nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1998)
Khu lưu niệm được thành lập năm 1988 và được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Tại đây, chúng tôi được tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ thời niên thiếu ở quê nhà, lúc ra đi hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời. KLN có 4 điểm tham quan chính: Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà trưng bày giới thiệu về thân thế và sự nghiệp, Nhà lưu niệm thời niên thiếu và Phòng trưng bày chuyên đề 15 năm tù Côn Đảo.
Cùng với đó là Nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc gỗ; máy bay YAK - chuyên cơ chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ Míttinh mừng chiến thắng ngày 30/4/1975 được trưng bày phục vụ khách tham quan từ năm 2007; mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên);... Mỗi điểm tham quan mang một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, những con rạch nhỏ, cầu kiều, ao cá. Khuôn viên KLN rợp bóng cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ.
Du khách tham quan Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Ấn tượng nhất với chúng tôi là Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngôi nhà do cụ ông Tô Văn Đề - thân sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xây dựng năm 1887. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Nam bộ với diện tích 156m2. Đây là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và sống những tháng ngày thơ ấu (1888-1906). Dù trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng khu nhà vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khởi công xây dựng vào năm 1997 và khánh thành nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch (20/8/1998). Đền tưởng niệm có diện tích 1.600m2, riêng phần chính điện là 110m2, với lối kiến trúc đền thờ cổ Việt Nam, mang màu sắc đặc thù của Nam bộ. Đây là nơi tổ chức các buổi lễ kỷ niệm ngày sinh, kỷ niệm, ngày mất, lễ báo công và tiếp các đoàn khách đến thăm viếng.
Phía trong Đền tưởng niệm được trang trí rất công phu, tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Nổi bật là bức tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên bục cao, nặng 310kg. Phía sau bức tượng là hình mặt trống đồng Ngọc Lũ được chạm nổi toát lên vẻ trang nghiêm.
Theo chân hướng dẫn viên, chúng tôi đến điểm tham quan tiếp theo là Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Công trình được xây dựng mới nhằm trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đó là hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường đến khi Bác làm thợ tại xưởng máy Ba Son, hình ảnh Bác Tôn kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France ủng hộ nước Nga Xô viết, chiếc xe đạp hiệu Diamant do nhà máy sản xuất xe đạp ở Đức tặng nhân dịp Chủ tịch Tôn Đức Thắng sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức (năm 1955) được lưu giữ cẩn thận,...
Chiếc xe đạp do nhà máy sản xuất xe đạp ở Đức tặng nhân dịp Chủ tịch Tôn Đức Thắng sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức (năm 1955) được lưu giữ cẩn thận
Tham quan KLN, chúng tôi không chỉ được nghe nhiều câu chuyện về Chủ tịch Tôn Đức Thắng và gia đình mà còn được kể nhiều giai thoại về vùng đất và con người nơi đây. Là cù lao nhỏ, nằm giữa lòng sông Hậu, cù lao Ông Hổ có nhiều nhà cổ với tuổi đời gần cả 100 năm. Hiện nhiều ngôi nhà cổ được người dân bảo tồn nguyên vẹn và các làng nghề truyền thống được lưu giữ như đan lưới, làm nhang,... Nếu có dịp đến cù lao Ông Hổ, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ cù lao thông qua loại hình du lịch homestay.
Từ lâu nay, KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, về nguồn và là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến An Giang. Có lẽ, với những ai từng đến đây sẽ khó có thể quên được vẻ đẹp bình dị của miền sông nước, nơi sinh ra một người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất mà đồng bào, đồng chí gọi hai tiếng thân thương và bình dị: Bác Tôn./.
Huỳnh Hương