Tiếng Việt | English

20/02/2020 - 14:43

Vẽ đường để hươu chạy đúng

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên (VTN) là cung cấp cho các em kiến thức, thông tin đầy đủ, chính xác để các em tự bảo vệ mình, tránh khỏi những điều đáng tiếc. Muốn làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều tổ chức, đơn vị khác nhau.

Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo viên phụ trách cung cấp cho các em kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp các em có cái nhìn đúng đắn, cởi mở hơn về giới tính và sức khỏe sinh sản

Chuyện nhiều năm trước

Hiện tại, Nguyễn Thanh Giang(*) (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) đã lập gia đình. Mái ấm nhỏ trở nên vui hơn từ khi Giang sinh em bé. Lập gia đình và làm mẹ ở độ tuổi trưởng thành, Giang đủ tự tin, chín chắn để xây đắp tương lai và nuôi dạy con mình. Nhưng nếu là trước đây, khi Giang mới 17 tuổi thì thực sự cô không biết mọi chuyện sẽ khó khăn như thế nào. Ngày trước, Giang có quen biết và yêu một người ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An. Sau khoảng thời gian yêu nhau, cả 2 quyết định tiến tới hôn nhân khi Giang vừa 17 tuổi. Biết được thông tin trên, chính quyền địa phương và cán bộ dân số phường 4 lúc đó là bà Nguyễn Thị Thu Duyên đã đến nhà, phân tích thiệt hơn và khuyên Giang nên suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định. Trước những lời khuyên giải của bà Duyên, Giang và gia đình quyết định tạm ngừng lễ cưới để đôi trẻ có thêm thời gian tìm hiểu, cũng để Giang thực sự chín chắn trong suy nghĩ và quyết định của mình. Sau một thời gian tiếp tục tìm hiểu, Giang nhận ra mình và “người chồng suýt cưới” có nhiều điểm không hợp nhau. Cả hai quyết định chia tay. Sau này, Giang tìm hiểu và lập gia đình với chồng mình. Với cô, đây mới thực sự là người đàn ông của đời mình. Mái gia đình Giang giờ đây vuông tròn, hạnh phúc.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp mà bà Duyên đã gặp trong suốt 22 năm làm công tác dân số của mình. Bà không nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần kịp thời “can thiệp” những lễ cưới mang tính tảo hôn. Các cặp đôi ngày ấy bây giờ phần đông đều có cuộc sống gia đình ổn định sau khi đã chín chắn, trưởng thành. Tuy nhiên, không phải lúc nào bà Duyên cũng làm được điều đó. Bà vẫn cảm thấy tiếc mãi vì trường hợp gia đình bà N.(*) (phường 4, TP.Tân An). Năm đó, bà N. quyết định cho cô dâu mới 17 tuổi về sống chung trong gia đình mặc lời can ngăn của bà Duyên. Sau đó không lâu, bà N. có cháu nội. Tuy nhiên, sau khi sinh con một thời gian, cô dâu nhỏ tuổi rời nhà “chồng” vì không tìm được tiếng nói chung. Bà N. một tay nuôi nấng đứa cháu còn “đỏ hỏn”. Bà Duyên tâm sự: “Mình làm công tác dân số, trực tiếp can thiệp, can ngăn việc tảo hôn. Có nhiều người cảm ơn nhưng cũng lắm người hờn giận. Họ nói mình cố tình phá hoại gia đình họ. Nhưng thực tế đâu phải vậy. Khi các cháu lập gia đình, sinh con ở tuổi VTN, trước hết là vi phạm pháp luật, thứ hai là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cả mẹ và bé”.

“Cô ơi, cho con hỏi…”

CSSK VTN luôn là vấn đề được quan tâm trong chính sách dân số. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, sinh con ở độ tuổi VTN, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giáo dục giới tính, SKSS cho lứa tuổi VTN/thanh niên (TN). Mô hình CSSKSS VTN/TN tại các trường THPT và THCS tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nhiều trường còn lồng ghép tuyên truyền về CSSKSS cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ,... Tại Trường THCS-THPT Lương Hòa (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), Câu lạc bộ (CLB) CSSKSS VTN trong nhà trường hoạt động khá tốt. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo viên phụ trách cung cấp cho các em kiến thức về CSSKSS, giúp các em có cái nhìn đúng đắn, cởi mở hơn về giới tính và SKSS.

Khi cần giúp đỡ, học sinh có thể liên hệ với giáo viên hoặc báo cáo viên bằng nhiều cách: Gọi điện thoại, viết giấy gửi hoặc trực tiếp đến gặp nhờ tư vấn

Phó Bí thư Đoàn trường THCS-THPT Lương Hòa - Đặng Thừa Ân cho biết: Trong năm học, CLB có 6 buổi sinh hoạt chuyên đề cho các khối lớp 10, 11, 12. 3 trong số 6 buổi tập trung nói về CSSKSS. Tại buổi nói chuyện, ngoài việc giáo viên cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh, các em còn được phép đặt câu hỏi, trao đổi trực tiếp với giáo viên. Thành viên CLB là cầu nối cho học sinh và giáo viên của trường. Các em là lực lượng nòng cốt, nắm chắc các kiến thức về giới tính, SKSS, sẵn sàng chia sẻ, giải thích cho các bạn khi cần. Thông qua đó, nhà trường hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm của học sinh trường để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các em khi cần.

Ngoài ra, mỗi năm, trường còn mời báo cáo viên về nói chuyện với học sinh về CSSKSS trong giờ sinh hoạt dưới cờ nhằm cung cấp cho các em đầy đủ những thông tin cần thiết. Trong các buổi báo cáo dưới cờ, học sinh được phép đặt câu hỏi bằng hình thức viết giấy gửi cho báo cáo viên và được trả lời chung. Ngoài ra, số điện thoại của báo cáo viên cũng được cung cấp cho các em nhờ tư vấn khi cần.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Hòa - Phạm Phước Hùng đánh giá, hiệu quả của mô hình CSSKSS VTN/TN trong nhà trường thể hiện rõ ở việc nhiều năm nay trường không xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở học sinh nữ. Các học sinh, đặc biệt là nữ sinh được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Khi cần giúp đỡ, nữ sinh có thể liên hệ với giáo viên hoặc báo cáo viên bằng nhiều cách: Gọi điện thoại, viết giấy gửi hoặc trực tiếp đến gặp nhờ tư vấn.

Sau 22 năm làm công tác dân số với hàng trăm lần đi báo cáo chuyên đề, bà Duyên đã quen với những cuộc gọi “cầu cứu” đầy lo lắng và nước mắt của các bạn nữ. “Cô ơi, cho con hỏi…”, các bạn thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu nói đó, kèm theo sự lo lắng, sợ hãi, e dè. Lúc đó, việc quan trọng hàng đầu với bà là an ủi, chia sẻ, lắng nghe, trấn an các em. Sau đó, bà đưa ra lời khuyên để các em tự theo dõi và không quên căn dặn phải liên hệ lại.

Việc phối hợp chặt chẽ, đồng đều giữa trung tâm y tế, ban giám hiệu các trường trong việc tư vấn CSSKSS VTN/TN giúp các em định hướng đúng vấn đề CSSKSS cũng như khả năng giải quyết các tình huống liên quan, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả ngoài ý muốn. VTN là độ tuổi ngấp nghé vào đời với bao điều mới mẻ, hấp dẫn. Các em được tiếp cận Internet, lượng thông tin trên thế giới ảo là vô tận, nhưng cũng không có kiểm soát. Chủ động cung cấp kiến thức đúng đắn, có định hướng là cách làm đúng đắn, thiết thực, giúp các em không bị “lạc đường” trên hành trình vào đời của mình./.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích