Không thể phủ nhận sức mạnh của hoạt động Về nguồn đã giúp địa phương được thụ hưởng phát triển toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng. Về nguồn đã giúp mỗi địa phương đi trước 10-20 năm, bởi vì nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của người dân và sự ủng hộ của doanh nghiệp, mạnh thường quân, các địa phương trong chương trình Về nguồn khó đạt mức phát triển như thế.
Nhờ hoạt động này mà các xã vùng sâu, vùng xa, những xã còn gặp nhiều khó khăn vươn lên ngang bằng với các địa phương có điều thuận lợi. Từ những xã điểm Về nguồn của tỉnh, từng huyện cũng có những xã điểm Về nguồn để cùng tạo đòn bẩy giúp địa phương phát triển nhanh hơn.
Từ nguồn “vốn mồi” của Nhà nước, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những con đường mở rộng giao thương, những nhịp cầu nối những bờ vui và những ngôi trường mới khang trang được xây dựng đã làm cho bộ mặt xã nghèo khởi sắc hơn.
Không những thế, các doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng tích cực vào cuộc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng hướng về những địa phương khó khăn, giảm dần khoảng cách giữa những xã nghèo với xã giàu.
Về nguồn, hoạt động thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là hoạt động đầy ý nghĩa, phát huy sức mạnh của dân, hướng về dân. Ở những nơi hoạt động Về nguồn “đi qua”, đường sá khang trang hơn, học sinh được vui chơi, học tập trong một môi trường tốt hơn, người nghèo được hỗ trợ xây nhà tình thương,... từ đó giúp giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của mỗi xã.
Song, sau hoạt động Về nguồn, mỗi địa phương cần tự phát huy nội lực để tiếp tục nâng cao mức sống của người dân, nhất là cần quan tâm hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn và thanh niên trong độ tuổi lao động. Như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp và hoạt động Về nguồn mới thực sự ý nghĩa./.
Diễm Quỳnh