Nguyên Chủ tịch nước hỏi thăm người dân trong một chuyến khảo sát xây dựng cầu ở biên giới
Từ chuyến khảo sát xây dựng xã nông thôn mới
Một ngày đầu tháng 9/2016, đoàn khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới đến thăm xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Đoàn khảo sát hôm đó có nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Hồ Xuân Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang và một số doanh nghiệp thân hữu. Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát, lãnh đạo UBND xã Mỹ Thạnh Đông trình bày về những khó khăn của một xã nghèo. Nghe đến chuyện người dân nơi đây chưa có cây cầu để đi lại, 2 doanh nghiệp trong đoàn đã quyết định tài trợ 4 cây cầu cho 2 huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng, trị giá mỗi cây 200 triệu đồng.
Cũng trong lúc đó, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang lóe lên suy nghĩ, tại sao không thực hiện chương trình vận động xây dựng cầu nông thôn cho vùng sâu, biên giới. Thế là ông đề xuất ý tưởng với nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. “Nghe xong, anh Tư Sang đồng ý, kêu “Nông thôn Việt phát động đi”. Chúng tôi đã bàn bạc và quyết định thực hiện Chương trình Cầu nông thôn” - ông Nguyễn Đức Quang nhớ lại.
Đến ngày 05/10/2016, Tạp chí Nông thôn Việt chính thức phát động Chương trình Cầu nông thôn. Cây cầu đầu tiên của chương trình được xây dựng là cầu Bảy Mình (Cái Cỏ) ở ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông, có chiều dài 26,5m, rộng 3,2m, với tổng vốn đầu tư 450 triệu đồng, thay thế cầu Rạch Cỏ bị xuống cấp trước đây. Sau 3 tháng khẩn trương thi công, cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui, phấn khởi của người dân. Cũng trong ngày khánh thành cầu Bảy Mình, từ nguồn vận động hơn 1,8 tỉ đồng, Ban Tổ chức tiếp tục tiến hành phát lệnh khởi công thêm 1 cầu, 3 cống tại xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ. Cứ thế, đến nay chương trình đã thực hiện trên địa bàn huyện Đức Huệ 46 cầu, cống ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Quý Tây, Bình Thành, Bình Hòa Nam, Mỹ Quý Đông, Mỹ Bình.
Khảo sát xây dựng cầu ở Đức Huệ
Theo ông Võ Văn Một (53 tuổi), ngụ ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông, cây cầu tạm bợ Rạch Cỏ trước đây người dân chỉ có thể đi bộ hoặc qua lại bằng xe máy. Từ ngày có cây cầu mới, việc đi lại, vận chuyển máy móc, vật tư nông nghiệp hay nông sản rất thuận lợi. Đây là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân trong khu vực. Tại địa bàn ấp 4, xã Bình Thành được chương trình đầu tư xây dựng 2 cây cầu là Bò Cạp 1, Bò Cạp 2. Có mặt tại đây trong những ngày cuối năm, nhìn những chuyến xe qua lại dễ dàng, bọn trẻ đi học an toàn, chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành - Lại Thanh Phú Quí bày tỏ: “Trước đây, việc canh tác lúa ở bờ bên kia của người dân rất bất tiện vì phải di chuyển vật tư đi đường vòng rất xa, tốn nhiều chi phí nhưng từ khi có cầu, thương lái thu mua bằng xe lớn thuận tiện hơn và không phải lo sợ bị ép giá. Nhờ những cây cầu này mà KT-XH, bộ mặt nông thôn ở xã được phát triển nhanh hơn”.
Lan tỏa một chương trình
Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang cho biết: “Qua cây cầu đầu tiên hoàn thành ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, chúng tôi vẫn thấy trăn trở vì bề ngang còn nhỏ, tải trọng thấp. để những phương tiện vận tải nhẹ có thể lưu thông vận chuyển nông sản, sử dụng lâu dài, anh Tư Sang và Ban Tổ chức quyết định nâng giá trị thực hiện những cây cầu sau nhằm tăng bề ngang, tải trọng. Vì vậy, có những cây cầu được thực hiện đầu tư xây dựng cả tỉ đồng”.
Khánh thành cầu kênh Bò Cạp ở huyện Đức Huệ
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung, kinh phí ngân sách đầu tư có hạn, vì vậy những cây cầu được thực hiện từ Chương trình Cầu nông thôn đã góp phần giúp địa phương tháo gỡ được phần nào khó khăn. Người dân có cầu để đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, KT-XH phát triển nhanh hơn, quốc phòng - an ninh được giữ vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thuận lợi, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi mới, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp,…
“Những cây cầu không chỉ là một điểm nhấn trên một vùng quê nghèo mà còn là tấm lòng của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Ban Tổ chức và các doanh nghiệp hướng về vùng sâu, biên giới. Những cây cầu mới cũng là cơ sở để địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Hoài Trung bày tỏ.
Nói đến Đức Huệ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Thị Quốc Hương kể, có rất nhiều kỷ niệm, câu chuyện cảm động trong những lần đến vùng đất khó này thực hiện xây cầu. Thời gian trôi qua nhưng bà Hương vẫn nhớ mãi hình ảnh bà cụ lom khom đứng trên cây cầu mới xây xong nước mắt rưng rưng vì quá vui mừng. Trò chuyện với mọi người, cụ bà bày tỏ: “Tưởng chết mà không kịp nhìn thấy cây cầu mới này hoàn thiện thì tiếc lắm! Có cầu mới bằng bêtông rồi, tin rằng vùng sâu này rồi sẽ khác, cuộc sống của con, cháu sẽ tốt hơn nữa”.
“Lời chia sẻ đó của cụ bà càng thôi thúc những người trong Ban Tổ chức phải tiếp tục vận động nguồn lực thực hiện thêm nhiều cây cầu nối nhịp bờ vui cho những vùng còn khó khăn, khuất nẻo, căn cứ kháng chiến cũ để tặng bà con quê mình” - bà Nguyễn Thị Quốc Hương chia sẻ thêm.
Cũng từ Đức Huệ, Chương trình Cầu nông thôn tiếp tục được triển khai, lan tỏa đến các địa bàn khác của tỉnh Long An như Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và sau đó đến với 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Mỗi lần về Đức Huệ vẫn thường nghe người dân, cán bộ địa phương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Tạp chí Nông thôn Việt và nhà tài trợ đã giúp người dân có những cây cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa an toàn, thuận tiện, bộ mặt nông thôn đổi mới. Với người dân, hình ảnh nguyên Chủ tịch nước đi bộ đến những khu vực hẻo lánh, biên giới để khảo sát, xây cầu luôn được nhắc đến với một tình cảm thân thương, tri ân đặc biệt./.
Vũ Quang