Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 15:35

Chương trình cầu giao thông nông thôn - “Đổi đời” cho những vùng quê

Người dân, học sinh vùng nông thôn đi lại dễ dàng; hàng hóa thông thương, không còn bị thương lái ép giá;… là những “trái ngọt” từ Chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động. Chương trình này góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, “đổi đời” cho nhiều vùng quê, mang đến một diện mạo mới. Phóng viên (PV) Báo Long An online có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Quang - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - người kết nối - đưa những cây cầu giao thông về với người dân vùng biên giới.

► PV: Ông có thể cho biết “cơ duyên” thực hiện Chương trình Cầu nông thôn?

Ông Nguyễn Đức Quang: Đầu tháng 9/2016, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang có chuyến khảo sát thực tế về xây dựng nông thôn mới tại 2 huyện biên giới Vĩnh Hưng và Đức Huệ của tỉnh Long An. Tháp tùng có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh; có Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Hồ Xuân Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhóm cán bộ, phóng viên Tạp chí Nông thôn Việt. Cùng đi, còn có một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư ở Long An,…

Ông Nguyễn Đức Quang (thứ 3, phải qua) cùng nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Long An đi khảo sát địa điểm để xây cầu giao thông nông thôn

Tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, sau khi đưa đoàn đi thực tế, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Minh Thy thông tin với đoàn: “Cầu ở ấp 3 xuống cấp, việc đi lại của người dân không bảo đảm nhưng địa phương chưa có kinh phí để đầu tư”. Còn tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, bà Nguyễn Thị Nhiều khi ấy là Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cả xã chưa có ấp nào hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới do tiêu chí về giao thông không đạt. Hầu hết các cây cầu trên đường nội ấp, liên ấp trong xã đều là cầu tạm bằng cây, ván hoặc cầu cũ xuống cấp. Xã thì không thể có kinh phí xây dựng…”. Thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn sẻ chia một phần khó khăn với địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty Cổ phần Minh Hưng “ghé tai” nói với tôi sẽ ủng hộ mỗi địa phương 2 cây cầu (trị giá 200 triệu đồng/cây). Thông tin này được chuyển đến nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh. Cùng lúc, một anh bạn chủ doanh nghiệp đi cùng gợi ý: “Sao Tạp chí Nông thôn Việt không đứng ra vận động các doanh nghiệp tài trợ xây dựng cầu nông thôn cho các xã vùng sâu, vùng xa?”. Tôi đem gợi ý đó xin ý kiến nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - người đứng đầu cơ quan chủ quản của Tạp chí Nông thôn Việt. Cả hai vị đều tán thành. Đặc biệt, nguyên Chủ tịch nước còn động viên: “Các cậu làm đi. Tôi ủng hộ!”... Ngày 05-10-2016, Tạp chí Nông thôn Việt làm lễ phát động Chương trình Cầu nông thôn biên giới, gọi tắt là Chương trình Cầu nông thôn, ngay trong buổi khởi công xây dựng cầu Rạch Cỏ, xã Mỹ Thạnh Đông - 1 trong 2 cây cầu do Công ty Phúc Khang tự nguyện tài trợ.

► PV: Sau cây cầu đầu tiên được khởi công xây dựng, chương trình tiếp tục lan tỏa như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Quang: Để chủ động cho ngày lễ phát động, trước đó, Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động các doanh nghiệp như Anh Minh Anh, Nhựa Rạng Đông, Hưng Thịnh (Bình Dương),… tài trợ mỗi đơn vị từ 1-5 cây cầu. Hai Công ty Phúc Khang và Minh Hưng Group đăng ký tài trợ thêm từ 5-10 cây cầu nữa nên không khí trong ngày phát động chương trình cũng khá “xôm tụ”. Sau ngày đó, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang “chủ động” vào cuộc vận động. Tiếng nói và uy tín của ông là yếu tố quyết định thành công của việc vận động. Không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước như Viettel, Mobifone, Vietso Petro mà rất nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiếng như Trường Hải, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai,… cũng đăng ký tài trợ mỗi đơn vị từ 10 đến 20-30 cầu, cống. Sở dĩ nhiều doanh nghiệp đồng thuận là vì sau nhiều lần tháp tùng cùng ông Trương Tấn Sang đi khảo sát thực tế ở những vùng quê còn khó khăn, phải đi xe máy qua những cây cầu tạm, các đơn vị hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây và muốn đem một phần lợi ích kinh doanh “làm đẹp cho đời”.

Cứ thế, từ sau lễ phát động đến nay, mới hơn 3 năm, Chương trình Cầu nông thôn đã vận động xây dựng được hơn 200 cầu, cống với trị giá hơn 160 tỉ đồng. Riêng Long An có hơn 100 cây cầu, cống được xây dựng, trong đó có hơn 80 cầu, cống đã đưa vào sử dụng. Ngoài Long An, Chương trình Cầu nông thôn còn vận động tài trợ xây dựng cầu tại các huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp và An Giang. 

► PV: Ông có thể chia sẻ thêm về hiệu quả của chương trình?

Ông Nguyễn Đức Quang: Nhiều địa phương, sau khi công trình cầu, cống đưa vào sử dụng, chất lượng cuộc sống của người dân và hạ tầng ở vùng quê đó đã thay đổi rõ rệt. Người dân vùng biên giới chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Khi đường rộng, cầu thông thì việc vận chuyển nông sản thuận lợi hơn, chất lượng nông sản được bảo đảm, giá bán sẽ cao hơn. Người dân, học sinh những vùng quê này đi lại cũng thuận lợi. Đặc biệt, đường - cầu nối liền từ nội địa ra biên giới không chỉ cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng biên mà còn góp phần xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc cho biên giới. Có thể nói, so sánh trước và sau khi hệ thống cầu, đường nông thôn do Chương trình Cầu nông thôn vận động tài trợ xây dựng, nhiều xóm, ấp đã thay đổi diện mạo đến mức kinh ngạc.

Ông Nguyễn Đức Quang (thứ 2, phải qua) khảo sát địa điểm để xây cầu giao thông nông thôn

Ông Nguyễn Đức Quang (thứ 2, phải qua) khảo sát địa điểm để xây cầu giao thông nông thôn 

► PV: Để đạt kết quả như hiện nay, theo ông, yếu tố nào quyết định sự thành công của chương trình?

Ông Nguyễn Đức Quang: Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình là sự vào cuộc thầm lặng, hết mình của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. Ông không nhận bất kỳ một danh hiệu, danh nghĩa nào trong Chương trình Cầu nông thôn, nhưng đối với chúng tôi - những người tổ chức chương trình - ông thực sự là “linh hồn” của chương trình. Ngoài số lượng cầu, cống vận động được gấp nhiều lần chúng tôi, ông còn luôn “cầm tay chỉ việc” cho Ban Tổ chức. Từ việc tổ chức đưa các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế, đến việc đưa ra kích thước chuẩn cho cầu, cống nông thôn,... 

Nhiều chuyến, ông cùng các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế hàng chục kilômét bằng xe máy, bất kể nắng bụi, mưa lầy... Có lẽ qua những chuyến đi ấy, các doanh nghiệp “cảm” được cái “tình” của ông đối với người dân nghèo vùng sâu, vùng xa. Từ đó, họ thấy trách nhiệm và sự cần thiết chia sẻ hơn nữa lợi ích của mình, góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Ngay về kích thước cầu, ban đầu Ban Tổ chức định dạng bề ngang cầu 3m, chiều dài tùy lòng kênh, trọng tải tối đa 3 tấn, tiền tài trợ tối đa 500 triệu đồng nhưng sau nhiều lần đi thực tế, ông bàn với các doanh nghiệp tài trợ nâng tiêu chuẩn lên 4m chiều ngang, tải trọng 5 tấn. Do vậy, nhiều cây cầu đã tăng giá trị đầu tư lên đến 1-2 tỉ đồng,… Quyết về điều đó, không có ông, Ban Tổ chức chương trình không thể nào làm được. 

Yếu tố thành công thứ hai là sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Không chỉ ở Long An mà cả ở Đồng Tháp, An Giang, những chuyến đi khảo sát thực tế của chương trình đều có lãnh đạo tỉnh tháp tùng. Chính sự có mặt tại hiện trường của lãnh đạo tỉnh đã giúp Ban Tổ chức và các cơ sở nhận tài trợ nhanh chóng thống nhất địa điểm, mục tiêu, thời gian triển khai thực hiện. Việc tiếp nhận và sử dụng tiền từ các nhà tài trợ cũng được thực hiện nhanh chóng và minh bạch, tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp tài trợ. Nhiều nơi, địa phương còn làm tốt việc huy động sức dân như hiến đất mở rộng đường, đóng góp ngày công lao động, thậm chí giám sát thi công cầu, cống,... Nhờ vậy, cầu xây đến đâu đường thông đến đó. 

Và, yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là tấm lòng của các nhà tài trợ - mạnh thường quân của chương trình. Doanh nghiệp bây giờ luôn đứng ở “đầu sóng ngọn gió”. Họ có nhiều nỗi lo thường trực. Vậy mà vẫn dành thời gian đi khảo sát thực tế cùng chương trình và dành ngân khoản không nhỏ để tài trợ, chia sẻ khó khăn cho người dân vùng sâu, vùng xa,… Tình cảm ấy thật đáng trân trọng!

► PV: Vậy còn vai trò của Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn?

Ông Nguyễn Đức Quang: Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ kết nối, giám sát và truyền thông. Giám sát cũng chỉ được một phần. So với những yếu tố trên, chúng tôi là… rất nhỏ.

► PV: Sau chặng đường hơn 3 năm thực hiện, ông còn điều gì trăn trở về chương trình? Ông có thể cho biết thêm dự định trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Quang: Có lần đi khảo sát một địa phương của Đồng Tháp, phải lội bộ qua những đoạn đường lầy lội, đi trên cầu khỉ, rồi đi đò, đi phà,… mới vào được đến nơi cần đến, tôi nhớ đến vùng quê tôi hơn 50 năm trước. Quê tôi giờ đã khác. Còn ở đây… vẫn vậy! Điều đó khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa việc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để góp phần thay đổi diện mạo những làng quê vùng biên giới này. Khi nhìn thấy một cây cầu hoàn thành, một quãng đường thông thương, một thôn ấp đổi mới,... tôi thật sự xúc động như nhìn thấy được sự đổi mới của quê mình. Chương trình Cầu nông thôn đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới – những nơi mà ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa thể đầu tư toàn bộ, vì thế càng trở nên ý nghĩa. Thời gian tới, với sự đồng hành, tiếp sức của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và sự lan tỏa của chương trình, hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chung tay, góp sức tài trợ xây dựng thêm nhiều cây cầu để góp phần “đổi đời” cho những vùng quê, không chỉ biên giới phía Nam mà còn lan tỏa ra phía Bắc, miền Trung,...

► PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thu - Thùy Hương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết