Bác Tư Sang đi khảo sát thực tế tại biên giới để xây cầu
|
3 năm - 1 hành trình
Hơn 3 năm là quãng thời gian ra đời của Chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động. Trong ngần ấy thời gian, chương trình đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân vùng sâu, vùng biên giới. Đó là giao thông nông thôn phát triển, giao thương thuận lợi, đời sống người dân được nâng cao, quốc phòng - an ninh được giữ vững,...
Chính vì những ý nghĩa, lợi ích đó, chương trình được Hiệp hội Bộ trưởng Nông nghiệp ASEAN trao tặng Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cơ quan chủ quản của Tạp chí Nông thôn Việt - giải “Sáng kiến về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn dành cho Tổ chức phi chính phủ”. Giải thưởng này là sự công nhận chính thức của cộng đồng về những đóng góp từ chương trình cho xã hội.
Từ sau lễ phát động (ngày 05/10/2016) đến nay, mới hơn 3 năm, Chương trình Cầu nông thôn đã vận động xây dựng được hơn 200 cầu, cống với trị giá hơn 160 tỉ đồng. Riêng Long An có hơn 100 cây cầu, cống được xây dựng, trong đó có hơn 80 cầu, cống được đưa vào sử dụng. Ngoài Long An, Chương trình Cầu nông thôn còn vận động tài trợ xây dựng cầu tại các huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Đạt kết quả này là nhờ chương trình có nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang (bác Tư Sang) đồng hành ngay từ những ngày đầu đến nay. Chính bác Tư đã vận động xây dựng được rất nhiều cây cầu và là “linh hồn” của chương trình.
“Đáng lẽ ra, chương trình này phải gọi là Chương trình Cầu nông thôn của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang mới đúng. Thế nhưng, anh không muốn nói đến công lao của mình mà luôn vinh danh sự đóng góp của các doanh nghiệp đã tài trợ cho chương trình xây dựng cầu. Tâm niệm và mục tiêu của anh chỉ là giúp người nghèo và những vùng quê còn khó khăn mà thôi. Đó cũng là điều thôi thúc Ban Tổ chức thực hiện thêm nhiều cây cầu nữa, dù công việc này cũng gặp nhiều vất vả” - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang tâm sự.
Cá nhân ông Nguyễn Đức Quang cũng có nhiều câu chuyện, kỷ niệm trong quá trình cùng “hợp tác” thực hiện xây cầu nông thôn với bác Tư Sang. Theo ông, cầu tên gì, ở địa phương nào, kinh phí đầu tư hết bao nhiêu, chiều dài, bề ngang thế nào, ai tài trợ đều được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang nhớ rất rõ. Mỗi lần làm cầu là nguyên Chủ tịch nước lại nôn nao như mình sắp được thụ hưởng. Cứ ít hôm chưa thấy anh em báo cáo là bác lại nhắn tin, gọi điện hỏi về tiến độ làm cầu, còn khó khăn, vướng mắc gì để kịp thời tháo gỡ.
Người dân luôn biết ơn bác Tư Sang đã vận động xây cầu
“Trong quá trình thực hiện những cây cầu, anh Tư Sang đến tận nơi kiểm tra tiến độ, có khi còn góp ý chỉnh sửa những bất cập; khánh thành cùng đến chung vui với bà con. Nhìn hình ảnh người dân nắm tay, ôm chầm anh Tư Sang bày tỏ lòng biết ơn, có người còn khóc vì quá vui mừng đã làm nhiều người vô cùng cảm động” - ông Nguyễn Đức Quang chia sẻ.
Đổi thay những vùng sâu, biên giới
Bà Nguyễn Thị Huệ, nhà ở bên dòng kênh Ngang, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, xúc động nói: “Từ ngày có cầu mới, nông dân dễ dàng thăm ruộng lúa, vận chuyển vật tư, nông sản trong mỗi vụ mùa. Cầu, đường thông thương, lúa chúng tôi làm ra cũng bán được giá hơn, chẳng phải sợ thương lái ép giá. Tết này, đi thăm hỏi nhau không cần đi xuồng, nhịp cầu mới sẽ giúp mọi người gần nhau hơn”.
Như người dân ở đây nói, trong kháng chiến, dân Vĩnh Đại bám xã đánh địch. Cha hy sinh, con tiếp nối. Kênh Ngang cũng được đào bằng sức người để xả phèn, tưới tiêu cho ruộng đồng... Và sau bao năm giải phóng, quê nghèo đã có thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn. Nay được bác Tư Sang, Tạp chí Nông thôn Việt và các doanh nghiệp đến đầu tư xây cầu, người dân biết ơn nhiều lắm!
Bà Lê Thị Năm, ngụ ấp 3, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, nay ngoài 60 tuổi không hề nghĩ có một ngày cây cầu Rạch Gốc Mỹ Bình 3 ra đời, chính thức nối đôi bờ của 2 xã Mỹ Bình và Mỹ Thạnh Tây. Từ ngày có cầu, phương tiện qua lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên. Bà tủm tỉm cười mà mắt rưng rưng và nói: “Mừng quá! Vui quá!”.
Gần đây, trở lại cây cầu N5 tại xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi thấy nhiều thay đổi đến với nơi này. Cầu N5 khánh thành trong tháng 4-2018. Từ ngày có cầu bêtông, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, bà con, trẻ em qua cầu rất an toàn. Làng xóm hai bên bờ kênh cũng gần nhau hơn. Như lời ông Nguyễn Văn Tâm, một người dân chúng tôi gặp, vui vẻ nói: “Mỗi lần nhìn cây cầu là cảm xúc trong tôi ùa về”.
Những cây cầu nối nhịp bờ vui
Đúng như lời người dân chia sẻ, những cây cầu từ Chương trình Cầu nông thôn đã góp phần đem đến sự khác biệt, thay đổi cho những vùng quê nghèo. Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang vẫn nhớ trong lần đến vùng biên giới huyện Thạnh Hóa khảo sát xây cầu. Khi đó, nơi này rất khuất nẻo, ít người qua lại, nhà cửa xập xệ. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau khi những cây cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng, nơi đây có sự thay đổi đến kinh ngạc. “Ở gần cầu, những ngôi nhà khang trang mọc lên, có nhà còn sắm ôtô, tuyến đường nhộn nhịp hẳn ra vì người và phương tiện ra, vào thường xuyên. Hỏi thăm lãnh đạo địa phương, tôi còn được biết, sau khi có cầu đi lại, đất ở vùng này giá tăng gấp 3, 4 lần so với trước” - ông Quang nhớ lại.
Chia sẻ về hành trình tiếp theo của Chương trình Cầu nông thôn, ông Nguyễn Đức Quang cho biết: “Để làm cầu còn phải tùy thuộc vào lòng hảo tâm của các doanh nghiệp nên chúng tôi không đưa ra mục tiêu cụ thể. Nhưng chúng tôi đưa ra định hướng tiếp tục thực hiện để nối dài cuộc hành trình làm cầu nông thôn ở những vùng sâu, xa, biên giới, góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi những vùng quê nghèo khó”./.
Lê Đức