Cuộc thảo luận này nhằm nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề rác thải nhựa trên thế giới và ở Việt Nam, nêu bật sáng kiến của các nhà tài trợ, địa phương và khu vực tư nhân nhằm giải quyết thách thức của Việt Nam về rác thải nhựa biển.
Thực trạng rác thải nhựa trên biển ở Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trịnh Thái Hà, Giám đốc Quốc gia, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam (NPAP) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm. Sẽ không khó để bắt gặp các bãi biển chứa đầy rác thải nhựa bị sóng đánh dạt vào bờ. Chúng không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan bờ biển mà đe dọa sự sống của những loài sinh vật biển và ngành thủy hải sản.
Tiến sĩ Trịnh Thái Hà, Giám đốc Quốc gia, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP)
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát thải lượng rác thải khổng lồ vào các vùng biển ở Việt Nam là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa còn hạn chế, cùng với đó là ý thức của người dân cũng như các doanh nghiệp. Trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong nước và ngoài nước. Vì vậy khối lượng chất thải nhựa đổ ra các vùng biển của Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, ngành tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam vẫn chưa được phát triển và công nghệ tái chế tại các thành phố lớn còn lạc hậu, hiệu quả thấp và chi phí cao. Ước tính, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.
Để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó phải kể đến Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (NĐD) đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương, đảm bảo 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP), nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Sáng kiến của các đối tác
Tại hội thảo, các diễn ra cũng đưa ra những đề xuất và giải pháp mang tính khả thi, giúp Việt Nam giảm thiểu rác thải nhựa biển.
Tiến sĩ Trịnh Thái Hà cho biết, mục đích của Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) là kết nối giữa chính phủ, các cộng đồng, các tổ chức tư nhân để cùng nhau thực hiện hành động chung. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm qua, NPAP đã tổ chức các cuộc họp để đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam, đưa ra các dự đoán kịch bản khác nhau, tìm kiếm giải pháp và xây dựng một nền kinh tế xanh hơn cho Việt Nam. NPAP đã có được sự hỗ trợ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub).
Chia sẻ về giải pháp xử lý rác thải nhựa trên biển, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc GreenHub — Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh cho biết, tổ chức này đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng, nghiên cứu về các vai trò cụ thể của phụ nữ trong chuỗi quản lý rác thải. Trong năm qua, tổ chức này đã hợp tác với hội phụ nữ tài thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để thúc đẩy giải pháp xử lý rác thải nhựa trên biển. GreenHub đã khuyến khích việc thu gom rác thải nhựa trên biển, chế tạo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, tạo kế sinh nhai cho gần 350 phụ nữ.
Hội thảo cũng có sự đóng góp ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Hành động Phát triển Môi trường ở Thế giới Thứ ba (ENDA). Nhận thức được vai trò quan trọng của những người thu gom rác thải, thu gom phế liệu, ENDA đã thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã hay liên minh ở thành phố Hồ Chí Minh mà thành viên chính là những người thu gom rác thải tự phát.
Theo bà Linh, lực lượng lao động này tham gia tích cực vào quá trình quá trình quản lý chất thải rắn tại TP HCM, thu gom từ 60-65% lượng rác thải sinh hoạt của người dân, thế nhưng vai trò của họ lại đang bị bỏ qua. Bà đề xuất rằng chính phủ nên có những ghi nhận về mặt pháp lý cũng như hỗ trợ về mặt an sinh xã hội, hỗ trợ bảo hiểm với những người làm nghề thu gom phế liệu vì vừa phải làm việc trong môi trường nguy hiểm lại vừa có thu nhập bấp bênh.
Tại buổi hội thảo các diễn giả đã bày tỏ sự lạc quan về viễn cảnh thành công trong việc xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam trong thời gian tới, tin tưởng sự hợp tác tích cực giữa chính phủ cùng các đối tác công tư sẽ giúp nâng cao nhận thức về rác thải nhựa trên biển, hướng tới việc xây dựng một môi trường sống lành mạnh và bền vững hơn./.
Theo VOV.VN