Tiếng Việt | English

06/01/2021 - 10:14

Hình thành thói quen phân loại rác thải nhựa cho học sinh

Thời gian qua, việc giáo dục ý thức, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa trong trường học đã góp phần bảo vệ môi trường và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh (HS).

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay, Công trình măng non của Liên đội Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thu hút đông đảo học sinh tham gia
Đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay, Công trình măng non của Liên đội Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thu hút đông đảo học sinh tham gia

Được trang trí nổi bật, nhiều màu sắc, Ngôi nhà kế hoạch nhỏ của Trường THCS Thống Nhất (TP.Tân An, tỉnh Long An) là người bạn đồng hành quen thuộc của HS từ nhiều năm nay. Theo cô Trần Thị Ngọc Điệp - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thống Nhất, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nên từ năm học 2017-2018, Liên đội Trường THCS Thống Nhất đã triển khai, thực hiện mô hình này. 

Để bảo đảm mô hình hoạt động hiệu quả, Liên đội phối hợp Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về cách phân loại rác, tác hại của rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường cho HS. Song song đó, mỗi lớp có 2 sọt rác: 1 sọt bỏ rác tái chế, sọt còn lại bỏ rác không thể tái chế. Đến cuối ngày, rác tái chế (chai nhựa, vỏ lon, giấy,...) sẽ được “tập kết” vào Ngôi nhà kế hoạch nhỏ.

Rác thải nhựa được học sinh Trường THCS Thống Nhất “tập kết” vào Ngôi nhà kế hoạch nhỏ

Rác thải nhựa được học sinh Trường THCS Thống Nhất “tập kết” vào Ngôi nhà kế hoạch nhỏ

Em Thạch Thị Ngọc Dinh, lớp 7/1, Trường THCS Thống Nhất, chia sẻ: “Mỗi ngày, bạn trực nhật sẽ mang rác đến điểm tập trung theo quy định, riêng rác thải nhựa được tập trung tại Ngôi nhà kế hoạch nhỏ. Thông qua các buổi tuyên truyền, em được biết rác thải nhựa phải mất thời gian rất lâu mới có thể phân hủy, là mối nguy hiểm đối với môi trường sống. Em thấy mô hình này rất ý nghĩa. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, rác thải nhựa còn được bán để gây quỹ giúp đỡ cho các bạn HS có hoàn cảnh khó khăn trong trường”. 

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn TP.Tân An đã đưa việc phân loại rác thải nhựa vào trường học. Đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay, mô hình phân loại rác thải nhựa là Công trình măng non của Liên đội Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Hiện mô hình thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người, đặc biệt là HS. 

Em Phạm Lê Phương Thúy, lớp 4/1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cho hay: “Từ khi được nhà trường hướng dẫn phân loại rác thải nhựa, ý thức của em và các bạn đã được nâng lên rất nhiều. Giờ đây, chúng em hiểu được những tác hại của rác thải nhựa nên tình trạng bỏ rác lung tung như trước đã giảm rất nhiều. Rác thải nhựa sẽ được bỏ riêng theo quy định, phân loại rác cũng là cách để bảo vệ môi trường”.

Có thể thấy, việc giáo dục ý thức, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa trong trường học đã góp phần bảo vệ môi trường và hình thành thói quen phân loại rác cho HS. Cô Phan Bảo Trân - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cho biết: “Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, chúng tôi tích cực tuyên truyền để các em HS hiểu được tác hại của rác thải nhựa và lợi ích của việc phân loại rác thải thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ. Ban đầu, có em còn chưa quen nên cũng xảy ra tình trạng bỏ rác nhầm nhưng sau khi được thầy cô, bạn bè nhắc nhở thì các em đã phân loại đúng. Mỗi ngày một chút sẽ hình thành thói quen phân loại rác trong HS. Ngoài ra, các loại rác thải nhựa sẽ được đem bán gây quỹ để sử dụng cho các hoạt động phong trào của Liên đội”.

Phó Bí thư Thành đoàn Tân An - Huỳnh Thị Thùy Linh thông tin: “Nhiều trường học trên địa bàn TP.Tân An đã triển khai mô hình Ngôi nhà phân loại rác thải nhựa. Hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa - Vì một Việt Nam xanh, đây là cách làm hay, tuyên truyền hiệu quả, thu hút đông đảo đội viên, học sinh tham gia, qua đó, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, giữ gìn vệ sinh khuôn viên trường học sạch, đẹp. Song song đó, mô hình còn góp phần nâng cao ý thức, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, giúp các em nâng cao kỹ năng phân loại rác, phát huy tinh thần tình nguyện của đội viên, HS trong bảo vệ môi trường”./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích