Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) hiện hữu ở các lĩnh vực trong cuộc sống, giúp cuộc sống con người thuận tiện hơn, nhanh hơn, thậm chí giải được những bài toán xã hội hóc búa ở mỗi quốc gia. Nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước phát triển các sản phẩm, dịch vụ có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cuộc sống
Từ đầu những năm 1970, việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha bằng việc đưa môn học về trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy cho sinh viên ngành tin học ở một vài trường đại học. Thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam đã có sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo thành công là phần mềm VnDOCR giúp nhận diện chữ tiếng Việt từ các văn bản in.
Hiện nay, các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã khá phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ hộp thư điện tử email tự động phân loại mail vào các nhóm như spam, thư quan trọng… Điện thoại thông minh có rất nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo như: Phần mềm nhận dạng giọng nói, nhận diện khuôn mặt khi chụp ảnh, trợ lý ảo Siri… Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp người trồng biết rõ từng loại cây, giai đoạn cần cung cấp lượng nước, dưỡng chất bổ sung cho cây ở từng thời kì sinh trưởng. Từ một nơi cách xa nông trại vài chục cây số, người trồng có thể điều khiển hệ thống tưới khi điện thoại di động báo cây đang cần được cung cấp nước... Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… hệ thống điều khiển giao thông thông minh, y tế thông minh, phòng chống gian lận, tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, chiếu sáng… đều được từng bước cải tiến nhờ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề mà con người chưa tìm được lời giải, dựa trên kết quả phân tích dữ liệu khổng lồ.
Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy cho biết ở Việt Nam hiện nay ngày càng có nhiều người chết vì bệnh ung thư, nhưng nguyên nhân, nguồn gốc gây bệnh ung thư luôn là ẩn số. Nếu cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào, máy tính với các thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phân tích và đưa ra câu trả lời thuyết phục nhiều câu hỏi liên quan đến ung thư. Không chỉ trong y tế mà các ngành giao thông, nông nghiệp, giáo dục… nếu được cung cấp đủ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đều có thể hỗ trợ tối đa cho con người.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhất là trong y tế, thương mại điện tử, giao thông... Để phát triển trí tuệ nhân tạo, tiến sỹ Trần Việt Hùng, người sáng lập công cụ tìm kiếm và trả lời câu hỏi của Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cần có 3 yếu tố cốt lõi là dữ liệu, khả năng tính toán của hệ thống máy tính và yếu tố con người. Trong đó, dữ liệu là yếu tố quan trọng bởi máy móc, thiết bị ra các quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu, đồng thời AI phụ thuộc vào nhiều thuật toán được thiết kế bởi con người.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Việt Nam có đủ trình độ để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã được đưa vào sử dụng, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng. Có thể kể đến phần mềm TopDev (giải pháp tuyển dụng nhân sự tích hợp trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam), hệ thống chăm sóc khách hàng tự động của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Monkey Junior (ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ em)… Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều ứng dụng hiện hành đã đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và các công ty thương mại điện tử. Từ dữ liệu người dùng, thói quen mua bán, sử dụng và thói quen tiêu dùng khác, doanh nghiệp có thể hiểu và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dân, bán được sản phẩm, không bị tồn kho nhiều. Về phía người dùng có thể biết được các mặt hàng, giá cả tốt và phù hợp do phía bán hàng cập nhật thường xuyên.
Phát triển các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng là lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam. Hiện nay, các dịch vụ như chia sẻ (share) địa điểm, gọi xe qua Grab, lái xe có thể biết vị trí của khách hàng, cập nhật các vấn đề khác về giao thông trên đường di chuyển. Trên nhiều ứng dụng điện thoại, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra hướng dẫn, gợi ý tuyến đường di chuyển, hỗ trợ người tham gia giao thông tránh các tuyến đường đang tắc, ngập lụt, sửa chữa....
Trong lĩnh vực giáo dục, trí tuệ nhân tạo có thể xây dựng hồ sơ học viên một cách chi tiết. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra các chiến lược giảng dạy khác nhau dựa trên phản hồi của học viên, đánh giá chất lượng giáo viên, giáo án, trình độ, khả năng tiếp nhận của học viên…
Hiện nay, với các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đơn vị sáng chế thường ít quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm với nhiều tính năng “khủng” để so sánh được với các nước công nghệ phát triển khác. Thực thế cho thấy, các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp tăng hiệu suất công việc lên 5 lần, 10 lần, rút gọn quy trình, thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí… đang là thành công và được thị trường đón nhận.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu, sáng tạo song đến nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn rất mới. Theo chuyên gia công nghệ, khoảng cách việc ứng dụng và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam không quá xa so với với nhiều nước phát triển trên thế giới. Vấn đề là để thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển, cần có những cuộc vận động các doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư cho lĩnh vực công nghệ tiềm năng này. Đầu tư phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo đúng hướng sẽ mang lại những cải tiến tốt đẹp cho cuộc sống, là lựa chọn, hướng đi của nhiều doanh nghiệp công nghệ trong tương lai./.
Theo TTXVN