Kết thúc lịch gieo sạ đợt 1
Kết thúc lịch gieo sạ đợt 1, toàn tỉnh xuống giống được 23.251/233.000ha kế hoạch sản xuất vụ lúa ĐX, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (10.734ha), Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước (12.517ha).
Tại huyện Tân Thạnh, tình hình gieo sạ vụ ĐX đạt kế hoạch. Ông Trần Văn Cường, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi sản xuất 3ha lúa, xuống giống theo lịch khuyến cáo. Hiện trà lúa được hơn 10 ngày tuổi, chưa phát hiện sâu, bệnh gây hại, lúa phát triển tốt”.
Nông dân cần xuống giống đúng lịch thời vụ cơ quan chuyên môn khuyến cáo
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, kế hoạch vụ ĐX 2018-2019, toàn huyện gieo sạ 31.000ha, hiện nay xuống giống được 8.100ha trong vùng đê bao bảo đảm an toàn, lúa phát triển tốt. Ngành hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm đất, vệ sinh đồng ruộng để có vụ mùa bội thu. Năm nay, mực nước lũ tương đối cao nên việc vệ sinh đồng ruộng của người dân đỡ vất vả, giảm được chi phí”.
Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân cũng tích cực vệ sinh đồng ruộng, xuống giống vụ lúa ĐX. Hiện, toàn huyện gieo sạ khoảng 400ha lúa ĐX 2018-2019, tập trung ở các xã vùng cao (Khánh Hưng, Thái Trị, Thái Bình Trung). Anh Lê Văn Tuấn, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Đến nay, 5ha lúa của gia đình đã xuống giống dứt điểm theo lịch cơ quan chuyên môn khuyến cáo”.
Tập trung xuống giống đợt 2
Hiện tại, nước lũ rút nhanh, nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các khâu cần thiết để xuống giống lúa ĐX 2018-2019. Các địa phương tập trung chỉ đạo công tác xuống giống bảo đảm đúng lịch thời vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch hại gây ra.
Vụ lúa ĐX 2018-2019, huyện Tân Hưng có kế hoạch gieo sạ 38.000ha. Đến nay, nông dân xuống giống được khoảng 1.000ha, tập trung ở các xã Hưng Điền, Hưng Hà, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu.
Cày trục đất, cắt đứt mầm mống sâu, bệnh
Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh cho biết: “Huyện khuyến cáo nông dân, ngoài các khâu cày vùi rơm rạ làm cho đất thông thoáng, tăng độ phì nhiêu, cắt đứt mầm sâu, bệnh, giảm ngộ độc hữu cơ, cần chủ động diệt chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. Đối với những vùng gò cao, một số diện tích lũ ngập ít, nông dân cần cày vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sâu, bệnh phát sinh và lây lan. Các xã vùng thấp tận dụng hệ thống đê bao lửng bơm rút nước, gieo sạ theo lịch thời vụ. Các ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với vùng đất ở địa phương, sử dụng phân bón hợp lý, các biện pháp quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Tại huyện Vĩnh Hưng, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Tô Văn Chảnh, vụ ĐX 2018-2019, huyện có kế hoạch xuống giống 28.500ha, đến thời điểm này, nông dân xuống giống được khoảng 400ha (chủ yếu ở các xã vùng cao). Hiện số diện tích còn lại trên địa bàn, mực nước trên ruộng còn khá cao, trung bình từ 50-80cm nên ảnh hưởng đến kế hoạch xuống giống. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho biết: Số diện tích còn lại, nông dân cần xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, không gieo sạ tự phát, phân tán. Chủ động phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp với phương châm huy động toàn bộ nông dân tham gia, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, kết hợp quản lý chặt chẽ các vùng sản xuất, các tuyến đê, phát hiện sớm, diệt nhanh để bảo đảm lúa phát triển tốt. Các diện tích có hệ thống đê bao lửng, nông dân cần chủ động bơm nước ra sạ sớm theo lịch khuyến cáo của địa phương, cần tập trung gieo sạ vào đợt 2 (từ ngày 18 đến 28/11) và phải kết thúc gieo sạ vụ lúa ĐX 2018-2019 trong đợt 3 (từ ngày 15 đến 30-12) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất của nông dân, nhất là khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu tới như thiếu nước vào đầu vụ, ảnh hưởng lũ vào cuối vụ. Riêng số diện tích đã xuống giống, cần thường xuyên thăm đồng khi phát hiện sâu, bệnh thì phun xịt thuốc ngay để tiêu diệt mầm bệnh.
Số diện tích đất trong đê bao cần chủ động bơm rút nước, gieo sạ theo lịch thời vụ
Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, ngay từ đầu vụ, các địa phương tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... và cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, đồng thời cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan. Đối với các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, cần tranh thủ bơm rút nước để gieo sạ đồng loạt từng tiểu vùng, từng cánh đồng, phấn đấu kết thúc xuống giống vụ lúa ĐX 2018-2019 trước ngày 30/12/2018. Các huyện phía Nam tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa ĐX (vụ 3), kết thúc gieo sạ trong lịch đợt 3 trước ngày 25/12/2018.
Căn cứ khung thời vụ thống nhất giữa 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, kiên quyết chỉ đạo xuống giống tập trung trong từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy, không gieo sạ tự phát, phân tán. Lịch gieo sạ đợt 2 từ ngày 18 đến 28/11/2018, đợt 3 từ ngày 15 đến 30/12/2018.
Nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống
Cần sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả: Bộ giống thơm nhẹ cao sản ngắn ngày: ST, RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, VD20,... khoảng 25%; bộ giống chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu: OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 6976,... trên 40%; bộ giống chất lượng thấp cho thị trường nội địa: OM 576, IR 50404, OM 1352 khoảng 10%; bộ giống lúa mùa chất lượng cao: Hương lài, Nàng thơm Chợ Đào, Tài nguyên và các giống khác,... khoảng 10%; bộ giống nếp IR 4625, OM 84 không sản xuất vượt quá 15%. Tăng cường sử dụng giống xác nhận và khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 100-120kg/ha.
Ngoài ra, các địa phương, ngành chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về diễn biến dịch hại, vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức phong phú, tập trung ứng dụng “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM”. Thực hiện tốt điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu, bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa, bão, hạn, mặn cục bộ,... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường./.
Trung Kiên