Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Đinh Ngọc Hệ vào phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Cung Đình Minh (hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn).
Tại thời điểm thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, ông Minh giữ chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch, Tổng Công ty Thái Sơn, đại diện 30% vốn cổ phần của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, ông Cung Đình Minh không liên quan đến phần kháng cáo trong vụ án này, nhưng là người đại diện 30% vốn của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn.
Với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, ông Minh có liên quan đến việc cho thuê xe biển xanh của Công ty.
Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Cung Đình Minh để đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật.
Không chấp nhận kháng cáo kêu oan, nhưng có thể giảm hình phạt cho bị cáo Hệ
Theo đó, đại diện Viểm Kiểm sát cho rằng, kháng cáo của Đinh Ngọc Hệ về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là trái pháp luật. Hệ cho rằng, sau khi Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn không còn là doanh nghiệp nhà nước, Hệ điều hành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.
Viện Kiểm sát cho rằng, Đinh Ngọc Hệ khi là Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Tổng Công ty Thái Sơn chịu sự phân công của Tổng Giám đốc Phùng Danh Thắm. Thắm ký quyết định ủy quyền cho Hệ quản lý 20% cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn sở hữu tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn.
Sau đó, Hệ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước.
Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng, Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Hệ là người có chức vụ, quyền hạn, các hoạt động tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn là hoạt động công vụ.
Bị cáo là quân nhân, thực hiện nhiệm vụ được giao trên cương vị là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, nên là người thi hành công vụ và đã lợi dụng danh nghĩa này để chỉ đạo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn) thế chấp các xe ôtô biển xanh tại các tổ chức tín dụng.
Theo Viện Kiểm sát, hành vi của Hệ vi phạm quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng xe ôtô trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định về đăng ký xe cơ giới của Bộ Quốc phòng, vi phạm những hành vi bị cấm về việc sử dụng xe quân sự vào các đơn vị ngoài.
Viện Kiểm sát cho rằng, Hệ đã vi phạm Điều 28 Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định những việc sỹ quan không được làm.
"Do vậy, kháng cáo của bị cáo đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không có căn cứ," đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, từ đó bác kháng cáo của Đinh Ngọc Hệ.
Bên cạnh đó, lời khai của các bị cáo và nhân chứng tại phiên tòa khẳng định Hệ là người chủ động chủ trương làm giả hồ sơ để hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng.
Hệ cho rằng, các bị cáo và người làm chứng đã thông cung nhưng lại không có căn cứ chứng minh.
Việc Hệ làm hồ sơ giả đã làm thiệt hại của Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng và đây là tình tiết tăng nặng đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do vi phạm từ 2 lần trở lên. Do đó, Viện Kiểm sát cũng bác kháng cáo của Đinh Ngọc Hệ về hành vi này.
Về việc sử dụng bằng đại học giả, bị cáo Hệ biết là vi phạm nhưng vẫn nhiều lần kê khai nhằm nâng lương, phong quân hàm. Hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả còn có lỗi của các cơ quan, tổ chức không làm tròn nhiệm vụ của mình.
Về hành vi này, Viện Kiểm sát đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh lại. Như vậy, việc truy tố Hệ tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ.
Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo kêu oan của Hệ về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.” Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng, có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo về cả hai tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hệ có nộp các bằng khen, giấy khen, huân huy chương được trao tặng trong quá trình công tác. Viện Kiểm sát cho rằng đây là tình tiết giảm nhẹ của bị cáo.
Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phùng Danh Thắm
Đối với kháng cáo của bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), tại phiên tòa phúc thẩm, Thắm thay đổi quan điểm kháng cáo và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Viện Kiểm sát cho rằng, Phùng Danh Thắm đã không làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, dẫn đến những vi phạm của Đinh Ngọc Hệ; không có biện pháp kiểm tra, giám sát để quân nhân Đinh Ngọc Hệ cấu kết làm giả hồ sơ xăng dầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng. Hành vi của Thắm đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi phạm tội của Thắm có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, Thắm có nhiều tình tiết giảm nhẹ do có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đã nhận rõ sai phạm của mình và ăn năn, thành khẩn.
Do đó, Viện Kiểm sát thấy rằng, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của Thắm để xem xét mức hình phạt nhẹ hơn so với bản án 24 tháng cải tạo không giam giữ do cấp sơ thẩm tuyên.
Đối với kháng cáo của Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn), Viện Kiểm sát cho rằng, Lâm là người thực hiện các hành vi vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo và xử phạt 5 năm tù là đã chiếu cố nhiều cho bị cáo.
Tại phiên tòa, Luật sư của Lâm đã trình Giấy khen của Ủy ban Nhân dân xã tặng cho Lâm, nhưng Viện Kiểm sát cho rằng đây không phải là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, kháng cáo của Lâm là không có căn cứ. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án đối với Lâm.
Với những quan điểm và lập luận như đã nêu trên, Viện Kiểm sát đề nghị sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo Phùng Danh Thắm; đề nghị sửa hình phạt đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ theo hướng xem xét một số tình tiết giảm nhẹ.
Đối với kháng cáo của tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn trong việc xác định số tiền Công ty hưởng lợi từ 2 hợp đồng cho thuê xe ôtô số 06 và 09 đối với Công ty Cổ phần Vận tải Bia Sài Gòn và Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Đông Bắc, quan điểm của Viện Kiểm sát là chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn./.
Theo TTXVN