Vui tươi, ý nghĩa Lễ hội Làm Chay
Sau 3 năm gián đoạn, năm 2023, Lễ hội Làm Chay được tổ chức lại với quy mô vốn có của một lễ hội dân gian, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham gia trong 3 ngày, từ 04 đến 06/02 (nhằm ngày 14 đến 16 tháng Giêng).
1. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Châu Thành, tỉnh Long An cũng là một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Sau khoảng thời gian chờ đợi, năm nay, người dân Châu Thành và du khách thập phương lại có cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều mong ước cho một năm mới bình an, may mắn. Vì là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức lại sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19 nên ngay từ đầu, Ban Tổ chức dự đoán lễ hội sẽ thu hút đông đảo người dân đến tham gia. Công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo để người dân có “cái tết thứ hai” vui tươi, lành mạnh, an toàn. Các vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng và có phương án thực hiện cụ thể.
Cỗ bánh được thỉnh về đình Tân Xuân
Từ ngày mùng 9 tháng Giêng, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã bắt đầu. Hơn 100 người dân tự nguyện chung tay trang trí, chuẩn bị cho Lễ hội Làm Chay. Mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng hướng tới mục tiêu chung là huyện Châu Thành có một mùa lễ hội thành công. Bếp ăn tại đình Tân Xuân cũng phục vụ xuyên suốt từ những ngày chuẩn bị cho lễ hội. Hầu hết nguyên, vật liệu nấu ăn trong thời gian chuẩn bị và diễn ra lễ hội được các tiểu thương, doanh nghiệp và người dân đóng góp. Trưởng ban Hậu cần Lễ hội Làm Chay - Nguyễn Kim Tuấn cho biết: “Từ nguyên, vật liệu nấu ăn đến nước uống đều được xã hội hóa, là tấm lòng của người dân hướng về Lễ hội Làm Chay. Điều đó đã trở thành thông lệ”.
Đối với người dân Châu Thành, Lễ hội Làm Chay là sự kiện quan trọng. Nhiều người tin tưởng rằng khi lễ hội được tổ chức thành công thì trong năm, người dân sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc. Từ sau lễ khai mạc vào chiều ngày 15 tháng Giêng, khách thập phương bắt đầu đổ về thị trấn Tầm Vu tham gia lễ hội. Đêm ngày 15 tháng Giêng, đường sá đông đúc, hàng quán nhộn nhịp, khu vực đình Tân Xuân luôn đông kín người ra, vào thắp hương, lễ thần. Khắp các ngả đường trong thị trấn Tầm Vu luôn rực rỡ ánh đèn; mâm cúng, đàn cúng tế tại các xã, thị trấn cũng hoàn tất.
Ngày 16 tháng Giêng, nhiều hoạt động của Lễ hội Làm Chay chính thức bắt đầu và kéo dài từ 8 đến 24 giờ. Trò chơi dân gian luôn là khu vực thu hút đông đảo khách tham gia, nhất là các bạn trẻ. Dưới sự tổ chức và quản lý của Đoàn Thanh niên, khu vực trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ, rộn ràng. Tham gia trò chơi và nhận được phần thưởng, Đỗ Nguyễn Hoàng Huy (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Sáng nay được nghỉ nên con tham gia Lễ hội Làm Chay. Con chưa từng nhảy bao bố lần nào nên đăng ký tham gia. Chơi thắng nên con vui lắm!”.
Tiêu diện Đại sĩ trong Lễ hội Làm Chay năm 2023
Ngoài khu vực trò chơi và các hoạt động phần hội thì nhiều nghi thức thuộc phần lễ cũng được người dân hưởng ứng, tham gia: Thỉnh Tiêu diện Đại sĩ lên giàn, chiêu u đường bộ, đánh động, xô giàn đốt ông Tiêu,... Tiêu diện Đại sĩ được xem là đại diện của Bồ Tát, là nhân vật chính của Lễ hội Làm Chay. Tạo hình ông Tiêu cao khoảng 2m, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng, lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông. Hoạt động rước và xô giàn đốt ông Tiêu luôn là những hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia nhằm cầu mong năm mới được bình an, may mắn.
2. 12 giờ, hoạt động chiêu u đường sông và đường bộ chính thức bắt đầu. Chiêu u là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc và cũng được người dân hưởng ứng đông đảo, tạo nên nét đặc trưng riêng của Lễ hội Làm Chay. Đoàn chiêu u đến các địa điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn ông Tiêu trong Lễ hội Làm Chay. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo các điểm chiêu u trong khắp cả huyện, người dân còn theo đoàn chiêu u tạo thành dòng người dài với đủ loại phương tiện, tạo không khí náo nhiệt nhưng vẫn bảo đảm an ninh, trật tự dưới sự giám sát của lực lượng công an. Ông Huỳnh Hữu Mẫn (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Chúng tôi lập điểm chiêu u tại ngã ba Cầu Vuông này từ năm 2015 đến nay vì điểm này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn. Vật phẩm cúng tế tại điểm chiêu u do người dân cùng nhau đóng góp”.
Đoàn Thanh niên chuẩn bị trò chơi đập heo đất
Các nghi thức khác của Lễ hội Làm Chay tiếp tục diễn ra vào đêm 16 tháng Giêng và chính thức kết thúc sau khi xô giàn đốt ông Tiêu vào lúc 24 giờ. Lễ hội Làm Chay khá đặc biệt khi có sự tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Lễ hội gồm nhiều hoạt động, nghi thức cúng tế được kết hợp giữa Phật giáo, Đạo giáo được đông đảo người dân hưởng ứng một cách nhiệt tình.
Tại lễ hội, sự đoàn kết, thống nhất giữa người dân với nhau, giữa các tôn giáo được thể hiện rõ nét thông qua cách thức tổ chức lễ hội. Sau khi lễ hội kết thúc, mọi phẩm vật đều được chia sẻ cho khách thập phương với kỳ vọng ai cũng nhận được lộc may mắn đầu năm mới. Ông Nguyễn Văn Son - Trưởng ban Nghi lễ trong Lễ hội Làm Chay, cho biết: Ý nghĩa của Lễ hội Làm Chay chính là trao phước lộc, may mắn cho tất cả mọi người và người tham gia lễ hội sẽ nhận được những điều lành trong năm mới.
Lễ hội Làm Chay năm nay thu hút đông đảo người dân tham gia
Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi và náo nhiệt, Lễ hội Làm Chay khép lại cùng những niềm vui. Người dân Châu Thành cũng như khách thập phương tham gia lễ hội lại có thêm niềm tin vào một năm mới nhiều điều may mắn và thuận lợi, cùng nhau chờ đợi mùa lễ hội năm sau./.
Quế Lâm
- Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn phục vụ nhân dân huyện Cần Giuộc (23/12)
- Hồ Văn Ngà - Tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ đặc công (23/12)
- Quảng bá du lịch Long An với tỉnh bạn (23/12)
- Trên quê hương trung dũng kiên cường (23/12)
- Doanh thu của ngành phim hoạt hình Nhật Bản lần đầu vượt 21 tỷ USD (22/12)
- Đặc sắc các không gian tại sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024 (22/12)
- Chương trình 'Con đường lịch sử': Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ (22/12)
- Đi coi triển lãm phải... khỏa thân (22/12)