Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 15:57

Vui xuân an toàn, tiết kiệm

Những ngày tết, người người về quê đoàn tụ cùng gia đình. Vui xuân tiết kiệm nhưng không kém phần đầm ấm, nghĩa tình.


Gia đình anh Lê Văn Lối chúc tết người thân

Từ sáng mùng một tết, chị Trương Thái Ngọc Châu, ngụ phường 4, TP.Tân An tranh thủ dậy sớm để nấu mâm cơm cúng đầu năm. Sau đó, vợ chồng chị “đèo nhau” về Đức Hòa chúc tết ông bà ngoại. Chị nói, vợ chồng chị ăn tết rất tiết kiệm. Cả hai anh chị cùng làm công nhân, sống gần nhà ba mẹ chồng. Hằng ngày đi làm nên cuối năm được mấy ngày nghỉ, cả hai vợ chồng dọn dẹp nhà cửa, sắm vài bộ đồ mới cho hai đứa con nhỏ. Sau đó, cả nhà đi chợ mua vài chậu vạn thọ về trang trí cho vui nhà vui cửa.

Chị Châu chia sẻ: “Cả năm đi làm nghỉ được mấy ngày tết nên tranh thủ về thăm ba mẹ. Hầu như năm nào cũng vậy, tết cả nhà đều đi chúc tết ông bà và về quê ăn tết cho vui”.

Với gia đình anh Lê Văn Lối, ngụ phường 2, TP.Tân An, quanh năm các thành viên dù ngược xuôi làm việc nhưng ngày mùng 2 đều đi chúc tết cha mẹ. Đã bao năm nay, gia đình anh vẫn giữ được truyền thống này để con cháu sum họp, mừng tuổi ông bà. Quanh bàn trà với dăm câu chuyện, gia đình anh không quên chúc nhau một năm mạnh khỏe, mọi chuyện suông sẻ.


Những đứa trẻ xúng xính quần áo mới nhận lì xì đầu năm

Vui nhất ở quê là mấy em nhỏ, xúng xính những bộ quần áo mới theo ba mẹ đi chúc tết người thân. Tết cổ truyền của người Việt luôn đầy ắp những món thịt heo kho tàu, canh khổ qua, bánh tét, dưa kiệu, củ hành,… Chị Lê Thị Ngọc Ánh, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh cho biết, là con dâu út trong nhà nên tết đến chị rất bận. Năm nay, dưa kiệu, củ hành tăng giá so với năm trước nên gia đình chỉ mua một ít về ăn ba ngày tết và đãi khách viếng thăm. Năm Đinh Dậu nên mẹ chồng chị khuyên không làm thịt gà; thay vào đó, nhà chị mua cá lóc đồng về nấu cháo và hấp bầu. Ngoài ra, mồi nhậu cho các “đấng mày râu” còn có thêm khô, lạp xưởng.


Gia đình chị Dương Bích Cảm quay quần, vui vẻ bên bữa cơm đoàn viên

Với gia đình chị Dương Bích Cảm, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tết là dịp vui nhất trong năm. Ở quê chị còn giữ tục nấu bánh tét cúng ông bà. Gia đình chị có 4 anh chị em, đều lập gia đình và nhà liền kề nhau. Nhà chị là nhà thờ nên nhiều năm nay trở thành thông lệ, cứ đêm giao thừa là cả nhà sum họp. Mấy đứa cháu thay phiên nhau làm nhiệm vụ đi “xông đất” đầu năm. Mẹ chị và mấy người chị dâu cùng nhau làm chả lụa, giò thủ và một ít cải chua để ăn kèm trong dịp tết.

Đặc biệt, từ ngày mùng một đến ngày mùng bốn, tất cả thành viên trong gia đình dù đi đâu, làm gì đều sắp xếp ăn cơm sáng và ăn tối. Vì ba chị thường dạy, giữ bữa cơm gia đình là giữ nếp nhà của người Việt. Hơn nữa, bữa cơm gia đình vào ngày tết lại càng trở nên ý nghĩa để các thành viên trong gia đình gặp mặt, chia sẻ và gắn kết với nhau.

Mỗi nhà tùy điều kiện mà đón tết khác nhau. Nhưng nhìn chung, tết trong điều kiện hiện nay dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn mang nét đặc trưng và luôn giữ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết