Tiếng Việt | English

27/01/2017 - 11:53

Ấm áp bữa cơm đoàn viên

Từ lâu, bữa cơm chiều cuối năm được xem là khoảnh khắc “vô giá” in sâu trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt. Bởi, không có hạnh phúc nào bằng khi các thành viên trong gia đình được đoàn viên, sum họp trong ngày tết.

Tết đến, xuân về là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, đánh dấu thời khắc giao hòa của đất trời. Đây là dịp để mọi người đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, cùng ôn lại những chuyện trong năm cũ và hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Chính vì thế, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, bữa cơm chiều cuối năm luôn mang ý nghĩa thiêng liêng nhất định. Với gia đình bà Lê Thị Kim Liên, ở ấp Vĩnh Viễn, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng vậy, bữa cơm sum họp ngày cuối năm là truyền thống tốt đẹp được duy trì từ rất lâu trong gia đình bà.


Ảnh minh họa

Ngày tết, lòng người dường như rộng mở hơn, người ta thường tự thưởng cho mình sự tự do, thoải mái sau một năm dài làm việc. Rời xa guồng quay hối hả của cuộc sống, ai nấy đều tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại của năm để hoàn tất công việc và sớm trở về nhà. Không khí ngày cuối năm cũng vì thế mà nhộn nhịp và ngập tràn cảm xúc hơn bao giờ hết.

Chị Nguyễn Thị Thùy Mỵ - con gái lớn của bà Liên chia sẻ: “Tôi vừa kết thúc chuyến công tác và trở về đón tết cùng gia đình. Thường xuyên đi công tác xa nhà nên tôi rất nhớ những bữa cơm sum họp với những món ăn truyền thống của ngoại. Với tôi, khoảng thời gian cả nhà được quây quần bên nhau là vui vẻ và hạnh phúc nhất”.

Việc mua sắm, trang hoàng nhà cửa được bắt đầu từ nhiều ngày trước. Dù nghèo hay giàu, gia đình nào cũng mong chu toàn mấy ngày tết. Bên cạnh mâm ngũ quả bày trên bàn thờ thì bữa cơm tất niên cũng được chuẩn bị rất chu đáo.

Bà Liên cho biết: “Nhà tôi duy trì bữa cơm tất niên hơn chục năm nay. Các con của tôi dù có gia đình riêng nhưng vẫn sắp xếp thời gian trở về nhà cùng nhau ăn bữa cơm tất niên. Đây là bữa cơm cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón năm mới nên mâm cơm đầy đủ và thịnh soạn hơn ngày thường. Bên cạnh bánh tét, năm nào nhà tôi cũng chuẩn bị các món thịt kho tàu, dưa giá, canh khổ qua,... trước cúng ông bà, tổ tiên, sau là con cháu cùng thưởng thức”.

Chiều 30 tết, khi các thành viên trong gia đình bà Liên tề tựu đông đủ cũng là lúc mâm cơm cúng tổ tiên được đặt trang trọng trên bàn thờ. Các con cháu cùng thắp nén hương để “rước ông bà” về ăn tết và mời ông Công, ông Táo trở về tiếp tục cai quản việc bếp núc.

Những làn khói hương nghi ngút bay lên như một nhịp nối giữa đất với trời, người đang sống và người đã khuất tạo nên một không gian ấm cúng. Bên mâm cơm đoàn viên, mọi người không chỉ thưởng thức những món ăn ngon mà còn chia sẻ với nhau những chuyện vui, buồn trong năm cũ và những dự định trong năm mới. Trong không khí ấm áp của tình thân, những lo toan thường ngày dường như tan biến, nhường chỗ cho những niềm vui, hạnh phúc. Bữa cơm kết thúc, cũng là lúc trời chập choạng tối, cả nhà lại cùng nhau canh nồi bánh tét, đón giao thừa.

Vừa canh lửa, vừa râm ran những câu chuyện về thời thơ ấu còn đong đầy trong ký ức của mỗi người. Những tiếng nói rôm rả, những nụ cười giòn tan hòa trong không khí vui tươi của đêm giao thừa. Ngoài kia, một mùa xuân nữa lại về./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết