Tiếng Việt | English

22/08/2018 - 17:29

Xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản: Hướng đi tất yếu

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Long An triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Đề án Xã hội hóa phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) năm 2018. Qua đó, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân từ sử dụng PTTT miễn phí sang tự chi trả.

Tuyên truyền về ý nghĩa của xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản.

Tuyên truyền về ý nghĩa của xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản

Thay đổi thói quen

Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (Đề án 818) được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; bảo đảm công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả các nguồn lực phù hợp.

Để thực hiện tốt đề án, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động xã hội hóa cung cấp PTTT, dịch vụ và hàng hóa KHHGĐ/SKSS. Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Sanh Tài thông tin: “Đến tháng 7/2018, toàn huyện thực hiện xã hội hóa đạt trên 70% kế hoạch năm. Để đạt kết quả này, huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn, đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các buổi nói chuyện chuyên đề, cuộc họp chi, tổ hội của các ngành, đoàn thể”.

Việc triển khai xã hội hóa được đưa vào thang điểm thi đua trong phong trào DS-KHHGĐ. Hiện 15/15 xã, thị trấn của huyện đồng loạt triển khai thực hiện tốt Đề án 818. Công tác tuyên truyền, tiếp thị các sản phẩm của đề án được chú trọng thực hiện. Qua đó, từng bước thu hút người dân tìm hiểu, sử dụng.

Chị Lê Thị Tường Vy (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Các sản phẩm của Đề án 818 có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý. Từ đó, tôi dần thay đổi thói quen trong sử dụng PTTT, hàng hóa SKSS”.

Huy động xã hội hóa

Xã hội hóa là mục tiêu, động lực, chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, đề án mới triển khai nên việc thay đổi nhận thức của người dân từ sử dụng PTTT miễn phí sang tự chi trả không phải chuyện “một sớm, một chiều” mà cần lộ trình thích hợp.

Châu Thành là địa phương đi đầu trong thực hiện Đề án 818. Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện mở rộng các kênh cung ứng PTTT, chuyển dần từ cấp miễn phí sang tiếp thị xã hội, xã hội hóa và thị trường thương mại. Khách hàng có nhu cầu sử dụng PTTT, dịch vụ và hàng hóa chăm sóc SKSS/KHHGĐ có thể mua trực tiếp tại nhà thuốc, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tại địa phương, viên chức DS xã, cộng tác viên DS, các hội, đoàn thể,...

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành - Phạm Văn Lý cho biết: “Việc phát triển mạng lưới phân phối PTTT tại các nhà thuốc trên địa bàn huyện góp phần thực hiện đạt mục tiêu Đề án 818. Đến nay, huyện xã hội hóa PTTT đạt 130% chỉ tiêu kế hoạch (23,6 triệu đồng/năm)”.

Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên DS - Gia đình và Trẻ em xác định đối tượng - khách hàng mục tiêu hướng đến để phân phối sản phẩm. Việc phân phối kết hợp quá trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm khi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, vãng gia tại hộ gia đình.

Viên chức DS xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành - Lê Thị Thu Hồng chia sẻ: “Khi tư vấn, giới thiệu sản phẩm, tôi chú trọng cung cấp thông tin mà khách hàng muốn tìm hiểu như công dụng, nguồn gốc, giá thành của sản phẩm. Sau khi biết được chất lượng của các mặt hàng cũng như ý nghĩa của việc xã hội hóa, các chị em đều tin dùng”.

Tuyên truyền về ý nghĩa của xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản

Tuyên truyền về ý nghĩa của xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản

Xã hội hóa PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây cũng là một trong những giải pháp huy động sự đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, bảo đảm công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ./.

Giai đoạn 1 (2015-2017):

Đề án 818 chủ yếu nghiên cứu, thử nghiệm mô hình; triển khai rộng các loại hình dịch vụ, củng cố cơ sở vật chất; đẩy mạnh truyền thông, vận động tài trợ; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy thị trường.

Giai đoạn 2 (2018-2020):

Đề án 818 thực hiện các nội dung: Đánh giá giai đoạn 1; điều chỉnh chính sách, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu của đề án.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích