Tiếng Việt | English

07/03/2017 - 21:06

Xét xử Hà Văn Thắm: Đề nghị giám định biên bản cam kết ba bên

Ngày 07/3, ngày thứ 7 phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan, nhằm làm rõ các hành vi vi phạm mà cáo trạng đã truy tố.

Bị cáo Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)Đề nghị giám định biên bản cam kết ba bên

Đáng chú ý trong nội dung thẩm vấn tại phiên tòa, các luật sư tập trung làm rõ văn bản ba bên ký giữa Công ty Trung Dung-OceanBank-Đại Tín về việc phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín. Văn bản có chữ ký của đại diện Ngân hàng Đại Tín - ông Trần Nam Sơn và con dấu của ngân hàng. Biên bản được làm thành 3 bản, mỗi bên giữ một bản.

Sau khi Trung Dung thực hiện phong tỏa tài khoản, OceanBank đã chuyển 500 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng). Tuy nhiên, đại diện của Ngân hàng Xây dựng cho rằng ngân hàng chỉ nhận được biên bản 3 bên photo chứ không nhận được biên bản gốc nên không thể xác minh được tính pháp lý của biên bản này.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm, việc phong tỏa là điều kiện để OceanBank giải ngân số tiền 500 tỷ đồng vì hồ sơ vay có nhiều tài liệu liên quan là bản photo.

Luật sư đặt câu hỏi với đại diện của Ngân hàng Xây dựng về việc thời điểm ký văn bản ba bên có chữ ký của người tên Trần Xuân Nam, có con dấu của ngân hàng. Người ký tên Trần Xuân Nam có phải là ông Trần Xuân Nam, thời điểm đó là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín. Nếu đúng vậy, theo luật sư, văn bản này có giá trị pháp lý.

Phản hồi lại, đại diện của Ngân hàng Xây dựng cho rằng việc xác định văn bản có giá trị pháp lý hay không thì phải do cơ quan chức năng kết luận, còn phía Ngân hàng Xây dựng không có chức năng xác định việc này. Do vậy, luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử cho giám định biên bản cam kết này để làm căn cứ pháp lý giải quyết vấn đề tranh chấp khoản tiền 500 tỷ đồng nói trên.

Làm rõ trách nhiệm của từng bị cáo trong việc chi lãi ngoài

Quay sang nội dung cáo buộc về việc chi lãi ngoài, để có tiền chăm sóc khách hàng, các bị cáo đã sử dụng nguồn tiền dịch vụ thu phí qua công Công ty BSC - công ty sân sau của Hà Văn Thắm. Số tiền này khoảng 69 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) trình bày, không có bàn bạc với Hà Văn Thắm về việc chi lãi ngoài bằng việc sử dụng nguồn tiền thu phí dịch vụ qua Công ty BSC Việt Nam. Bị cáo Sơn cho rằng, BSC cũng chỉ là khách hàng của OceanBank, và bị cáo Sơn chỉ biết công ty này là của Hà Văn Thắm sau khi... đọc cáo trạng (!).Tuy nhiên, Hà Văn Thắm cho rằng đúng là bị cáo không bàn bạc với Sơn về việc thu phí qua BSC nhưng Sơn có biết BSC là công ty của Thắm.

Trả lời câu hỏi của luật sư Ngô Huy Ngọc (bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank), Hà Văn Thắm cho biết thời điểm thực hiện chỉ đạo chi lãi ngoài, hoàn cảnh thị trường tín dụng lúc đó rất căng thẳng, buộc các bị cáo phải chi lãi ngoài để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.

Về chi tiền, theo bị cáo, là chi cho hoạt động nghiệp vụ. Việc giao tiền cho cán bộ, nhân viên tại phòng/ban chức năng là để họ thực hiện nhiệm vụ.

Theo Hà Văn Thắm, bị cáo Lê Thị Thu Thủy không biết về việc chi tiền chăm sóc khách hàng. Đến khi biết việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng, Thủy đã phản đối rất gay gắt.

Tại tòa, Hà Văn Thắm vẫn khẳng định thời điểm đó, nếu Lê Thị Thu Thủy không thực hiện chỉ đạo thì sẽ bị điều chuyển công tác để người khác làm.

Nói về thiệt hại 1.500 tỷ đồng trong hành vi này, bị cáo Thắm cho rằng số tiền này không phải là thiệt hại. Vì nếu không có khoản tiền này thì OceanBank không huy động được vốn, không chi được cổ tức cho cổ đông. Còn nếu OceanBank thiệt hại thì chính Hà Văn Thắm cũng là người thiệt hại vì nắm 63% cổ phần tại OceanBank.

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của OceanBank), hai luật sư Nguyễn Đức Toàn và Nguyễn Tiến Huấn đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Trang và một số bị cáo liên quan.

Bị cáo Trang cho biết khối khách hàng cá nhân không liên quan đến việc chi trả chăm sóc khách hàng. Bị cáo Trang cũng không được họp bất kỳ cuộc họp giao ban nào bàn về việc chủ trương chi chăm sóc khách hàng.

Theo cáo trạng, bị cáo Trang đã thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) tại các cuộc họp giao ban. Trên cơ sở đó, bị cáo Trang đã chỉ đạo các nhân viên trong khối khách hàng cá nhân tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn của khách hàng cá nhân.

Sau đó, Trang đã ký xác nhận, chuyển cho bộ phận kế toán hoạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh/phòng giao dịch để chi lãi ngoài cho khách hàng, với tổng số tiền thực chi là gần 166 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trang còn chỉ đạo Đào Thị Thu Hằng (Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của OceanBank) ký xác nhận gần 19 tỷ đồng trong thời gian từ ngày 9/1/2014 đến ngày 23/10/2014. Tổng cộng, cơ quan tố tụng quy kết Trang phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền đã kiểm soát, phê duyệt chuyển cho các Chi nhánh/Phòng giao dịch/Khối thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng là gần 185 tỷ đồng.

Ngày 08/3, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết