Tiếng Việt | English

30/07/2024 - 17:35

Xin đừng so sánh!

Ở xóm tôi, nhà này với nhà kia san sát nhau. Thỉnh thoảng, dù không chủ ý, tôi vẫn phải nghe hàng xóm mắng con, nay nhà bên trái thì mai đến nhà đối diện, chủ yếu là xoay quanh chuyện học hành, phụ giúp ba mẹ chuyện lặt vặt trong nhà.

Minh họa: tuoitre.vn

Và những câu mà tôi thường xuyên nghe lặp đi lặp lại là “Sao mày dốt quá vậy, mày thấy thằng A con chú B nó học giỏi chưa kìa” hoặc “Mày nhìn con Y con thím X đi, bằng tuổi mày mà người ta đã rành chuyện nhà chuyện cửa”. Không hiểu sao những lần nghe những lời so sánh như vậy, tôi cảm thấy khó chịu. Mình là người lớn có khi còn chẳng chịu đựng nỗi khi bị so sánh huống hồ gì trẻ con.

Tôi nhớ có một lần trong lúc đùa giỡn, tôi vô tình nói cháu gái chưa hiểu chuyện, chưa biết phụ mẹ những việc nhỏ như quét nhà, lặt rau, trong khi một đứa cháu hàng xóm khác bằng tuổi đã làm việc đó rất tốt. Chỉ là trong lúc vui miệng tôi nói mà không nghĩ gì nhiều, cho đến khi chị gái tôi nói lại rằng con bé đã bật khóc. Chị gái dặn tôi có thể hướng dẫn cháu từ những việc nhỏ chứ đừng so sánh cháu với ai.

Lời nhắc nhở của chị gái khiến tôi giật mình nhận ra mình đã quá vô tư nên hành xử không đúng với một đứa bé. Tôi nhớ lại ngày mình còn nhỏ, cũng ghét khi bị đem ra so sánh với người khác. Bây giờ khi đã làm chồng, tôi cũng rất khó chịu nếu vợ đem so sánh tôi với chồng của bạn bè cô ấy.

Từ lần đó, tôi chú ý hơn khi trò chuyện và dạy bảo trẻ nhỏ cũng như cư xử với người khác. Điều gì mình không thích thì cũng không nên bắt người khác phải chịu, đó là nguyên tắc của sự công bằng. Trẻ con cũng có lòng tự trọng. Mỗi người có hoàn cảnh gia đình và tư duy khác nhau. Vì thế càng không thể so sánh giữa người này với người khác. Sự so sánh nào cũng đều dẫn đến sự tổn thương tinh thần.

Cũng là người có con nhỏ, tôi nhận ra càng được khích lệ, con trẻ sẽ càng tự tin vào bản thân hơn./.

Nghĩa Hành

Chia sẻ bài viết