Trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh luôn gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động phong trào thi đua, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp
1. Theo chân Chủ tịch Hội CCB xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành - Phạm Hồng Vũ, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Đỗ Hữu Thọ (SN 1948, ngụ ấp Xuân Hòa 2). Bên tách trà nóng, ông Thọ bùi ngùi kể chuyện xưa, những câu chuyện mà có lẽ suốt cả cuộc đời này, ông không thể nào quên.
Năm 1965 (khi vừa tròn 17 tuổi), theo tiếng gọi non sông, ông Thọ tham gia bộ đội địa phương huyện Châu Thành. Với sức trẻ và lòng căm thù giặc, ông lập được nhiều chiến công. Ông Thọ cho biết, dù hàng ngày phải đối mặt với “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù nhưng ông và đồng đội không hề nao núng hay sợ hãi bởi tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Giai đoạn 1965-1970, ông tham gia 49 trận đánh (công đồn, phục kích, chống càn,...), tiêu diệt nhiều tên địch. Trong thời gian này, ông bị thương 7 lần, trong đó có 2 lần bị thương nặng.
Dù không còn tham gia công tác nhưng ông Đỗ Hữu Thọ (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, được mọi người xung quanh kính trọng
Vào tháng 5/1970, bị địch đánh điểm, ông bị gãy chân, bị bắt. Tháng 9/1972, ông bị đày ra Trại giam tù binh Phú Quốc. Đến tháng 3/1973, ông được trả tự do. Năm 1974, ông được bố trí làm Trợ lý quân báo, Phòng Tham mưu Tỉnh đội. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba;...
Sau ngày giải phóng đất nước, ông tiếp tục tham gia công tác và giữ nhiều chức vụ ở địa phương như Trưởng ban Quân báo, Huyện đội Châu Thành; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thanh Vĩnh Đông. Đến năm 2005, ông về hưu. Dù ở vị trí công tác nào, ông Thọ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Không những thế, khi trở về với cuộc sống đời thường, ông còn tiên phong, gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động người dân trong ấp tự nguyện hiến đất, góp công, góp của mở rộng đường giao thông; thăm hỏi, tặng quà cho nhiều gia đình khó khăn; tích cực lao động, sản xuất vươn lên trong cuộc sống.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khó cũng rất đỗi tự hào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính 76 tuổi đời, 55 tuổi Đảng. Hiện nay, dù không còn tham gia công tác nhưng ông Thọ luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, được mọi người xung quanh kính trọng.
2. Vào một ngày tháng 4 lịch sử, trong cái nóng oi nồng của vùng biên giới, chúng tôi đến thăm CCB Nguyễn Ngọc Thưởng (SN 1950, ngụ khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường). Với nụ cười đôn hậu, ông chia sẻ cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia chiến đấu. Ông Thưởng kể: “Tôi nhập ngũ năm 1966, được biên chế vào Ban Quân báo, Phòng Tham mưu, Tỉnh đội Kiến Tường, với nhiệm vụ chính quân báo kỹ thuật và quân báo mặt đất, nắm tình hình, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Tỉnh đội, Tỉnh ủy để chỉ huy trong các trận đánh”.
Trong quá trình tham gia cách mạng, ông Nguyễn Ngọc Thưởng (khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường) vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý
Thời gian hoạt động cách mạng tuy gian khổ, hiểm nguy nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện tinh thần của người cộng sản kiên trung và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân kỳ chiến thắng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc;...
Sau khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Trợ lý trinh sát quân báo; Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Hóa; Trưởng ban Quân báo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Hóa. Đến năm 2000, ông nghỉ hưu. Từ năm 2005-2017, ông làm Chủ tịch Hội CCB huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường).
Dù ở giai đoạn, cương vị công tác nào, CCB Nguyễn Ngọc Thưởng luôn thể hiện tính tiên phong, cương trực, hết lòng phục vụ vì cách mạng, vì quê hương, đất nước vì Nhân dân. Ông luôn giáo dục con cháu tiếp bước truyền thống cha ông cùng xây dựng địa phương giàu đẹp.
Chủ tịch Hội CCB thị xã Kiến Tường - Lại Đức Thưởng nhận xét: “CCB Nguyễn Ngọc Thưởng tuy tuổi đã cao nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ông là tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào do Hội phát động, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, trách nhiệm trong công xã hội tại địa phương, được người dân tin yêu, quý trọng”.
3. Căn nhà của CCB Nguyễn Khắc Côi nằm cặp tuyến sông Vàm Cỏ Tây (ấp Đầu Sấu, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng). 77 tuổi nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm trong những năm chiến đấu, ký ức của một thời kề vai, sát cánh cùng đồng đội chợt ùa về. Ông Côi nhớ lại: “Từ năm 1967-1975, tôi tham gia khá nhiều trận đánh. Trận đánh mà tôi nhớ nhất có lẽ là trận chống càn xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Lúc đó, tôi bị thương ở đầu và trở thành thương binh hạng 4/4”.
Những bằng khen, giấy khen được cựu chiến binh Nguyễn Khắc Côi (ấp Đầu Sấu, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) treo trang trọng trong nhà
Trong suốt những năm binh nghiệp của mình, ông tham gia hàng chục trận đánh, trong quá trình tham gia đánh trận, ông luôn giữ lập trường kiên định, mưu trí, nhạy bén, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Mỗi trận đánh đều để lại trong ông niềm tự hào, một niềm vui sướng khôn tả vì được đóng góp vào công cuộc đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Sau khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ lãnh đạo của xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng. Kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh, cống hiến thời bình, ông Côi được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng cùng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp trao tặng.
Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Trần Văn Khánh cho biết: “Bằng uy tín của mình và tinh thần gương mẫu đi đầu, thời gian qua, ông Nguyễn Khắc Côi tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông còn tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất, kinh phí để mở rộng, nâng cấp và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần cho xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Thật cao cả biết bao với tấm lòng của những người lính Cụ Hồ, dù ở chiến trường hay đời thường, họ đều tấm gương sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay./.
Văn Đát