Tiếng Việt | English

06/09/2023 - 10:15

Xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam: Sự thay đổi đáng chú ý

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu đang trải qua nhiều biến đổi, xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam cũng phát triển. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tiêu dùng thông thường, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam còn bao gồm cả các sản phẩm xa xỉ như điện thoại di động là một ví dụ. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ mà còn đang quan tâm đến chất lượng của sản phẩm.

Khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng vẫn có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm (Ảnh: Internet)

Chị Nguyễn Hằng (huyệnThạnh Hóa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Trước kia, tôi thường mua sắm trực tiếp tại cửa hàng để dễ kiểm tra sản phẩm nhưng giờ đây, tôi thấy mua sắm trực tuyến tiện hơn. Tôi có thể tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đọc đánh giá của người khác và so sánh giá trước khi quyết định mua”.

Theo dự báo từ các tổ chức nghiên cứu cho thấy, xu hướng mua sắm trực tuyến hàng xa xỉ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo McKinsey (McKinsey & Company là một công ty tư vấn quản trị toàn cầu, chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức đa quốc gia), người tiêu dùng sử dụng sàn thương mại điện tử để mua hàng xa xỉ có thể tăng từ 5% lên 10% trong năm 2023. Thậm chí, một hãng truyền thông của Anh - Communications Specialist còn tiên đoán rằng, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 30% trong vài năm tới.

Anh Nguyễn Quốc Hưng (SN 1998) làm việc trong lĩnh vực marketing, nói: “Xu hướng mua sắm trực tuyến đang thay đổi cách tiếp cận việc mua sắm các sản phẩm xa xỉ. Thay vì phải đến cửa hàng, bây giờ, chúng ta chỉ cần ở nhà nhưng vẫn tìm hiểu được về sản phẩm, so sánh với các cửa hàng khác, thậm chí đặt hàng trực tuyến”.

Sự thay đổi trong thói quen mua sắm trực tuyến không chỉ tác động đến người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp. Những người kinh doanh đang thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng, tập trung vào mua sắm trực tuyến và tận dụng tiềm năng của các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ hoàn toàn xu hướng này. Anh Trần Minh Hiếu (huyện Thạnh Hóa) cảm thấy lo ngại về việc mất đi trải nghiệm thực tế khi mua sắm trực tuyến. “Đôi khi, việc chạm vào sản phẩm, cảm nhận màu sắc, chất liệu là một phần quan trọng của trải nghiệm mua sắm. Tôi lo rằng, việc mua sắm trực tuyến sẽ khiến chúng ta mất đi điều này” - anh Hiếu lo ngại.

Nhìn chung, trong bức tranh đa chiều này, điểm chung là người tiêu dùng đang tìm cách kết hợp tiện lợi và chất lượng. Dù có thay đổi, sự tương tác giữa trải nghiệm mua sắm trực tuyến và trực tiếp vẫn đang được cân nhắc. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn tạo nên một môi trường kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, thúc đẩy họ tìm kiếm cách tận dụng xu hướng mua sắm trực tuyến và thích nghi với sự chuyển đổi trong thị trường./.

Giang Dang

Chia sẻ bài viết