Các thùng chứa bao bì thuốc BVTV tại ấp 3, xã Thanh Phú đã đầy và chưa được thu gom, xử lý
Chung tay bảo vệ môi trường
Ông Dương Văn Đủ, nhà ở ấp 3, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có gần 1ha đất trồng lúa. Đã hơn 2 năm nay, thói quen của ông là khi ra ruộng, luôn cầm theo cây móc và bao nylon, mỗi khi thấy vỏ bao thuốc BVTV trên đường đi, rãnh nước, kênh rạch thì lượm bỏ vào bao. Tại 2 đầu ruộng lúa của mình, ông còn tạo 2 miệng cống lớn, 2 cái bàn cao để người dân dễ lấy nước pha thuốc BVTV rồi mang trên vai. Ở 2 điểm này có 2 chiếc bao lớn được ông treo sẵn, ai dùng xong thuốc BVTV thì bỏ vỏ vào đó. Khi các bao này đầy, ông mang về bỏ vào thùng đựng bao bì thuốc BVTV do Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện trang bị đặt trước nhà. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thanh Phú cũng hưởng ứng giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Bây giờ, ở các kênh rạch trên địa bàn ấp 3, 1A, 1B, ấp 4, ấp Thanh Hiệp, người dân rất tích cực thực hiện mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV về nơi tập kết đúng quy định.
Ông Võ Sơn Đào - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phú cho biết, đó là kết quả của mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV do Phòng TNMT huyện Bến Lức và Hội Nông dân xã Thanh Phú thực hiện vào cuối năm 2012.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, trên địa bàn xã Khánh Hưng, huyện xây dựng nhiều hố chứa bao bì thuốc BVTV ở những nơi thuận tiện để người dân bỏ vào sau khi sử dụng. Ngoài ra, chính quyền xã cũng tập trung tuyên truyền về tác hại dài lâu của việc ô nhiễm môi trường nên người dân dần thay đổi thói quen vứt rác, bao bì thuốc BVTV bừa bãi. Đến nay, mô hình này đã phát huy tác dụng, tình trạng vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đã giảm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Dương Văn Út cho rằng, rác thải sinh hoạt nông thôn là vấn đề mà huyện rất quan tâm, đây cũng là một nội dung trong tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, rác thải sinh hoạt trên địa bàn dễ kiểm soát hơn là rác thải từ bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, thời gian qua, có lúc, vấn đề này chưa thật sự được quan tâm đúng mức, người dân còn chủ quan trong khi thực tế đây là nguồn chất thải có tính nguy hại cao.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, khó khăn của địa phương là chưa đủ kinh phí để thu gom, vận chuyển loại rác thải độc hại này đến nơi tiêu hủy đúng theo quy định.
Giải pháp nào?
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường - Huỳnh Thị Phép, bao bì thuốc BVTV thuộc danh mục chất thải nguy hại theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT. Do vậy, khi đem bao bì thuốc BVTV đốt tự nhiên từ các bể chứa như hiện nay sẽ không kiểm soát được nhiệt độ đốt và sẽ phát sinh nhiều chất độc hại ra môi trường, đặc biệt là Dioxin/Furan là một trong những chất độc tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư và đột biến gen ở người. Vì vậy, các ngành chức năng ở địa phương khuyến cáo người dân ngưng ngay việc đốt, tiêu hủy các loại bao bì thuốc BVTV bằng các bể chứa như hiện nay. Theo quy định, bao bì thuốc BVTV phải được xử lý đúng quy cách, nếu đốt thì phải được đốt trong các lò đốt chuyên dụng (đốt 2 cấp), với 2 buồng đốt gồm buồng đốt sơ cấp có nhiệt độ đốt tương đương 700 độ C và uồng đốt thứ cấp có nhiệt độ đốt tương đương 1.300 độ C.
Ông Võ Sơn Đào cho rằng, hiện nay, việc thu gom bao bì thuốc BVTV là ý thức của người dân, nhưng nếu có quy định, chế tài, chế độ khuyến khích thì sẽ tốt hơn. Thí dụ như các đại lý bán thuốc BVTV nên có nơi chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, nếu người dân thực hiện tốt việc thu gom thì các nơi này có chế độ khuyến mãi, hoặc thưởng tặng phẩm. Như thế sẽ khuyến khích người dân thực hiện tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Huỳnh Quốc Việt cho biết, sở đã xây dựng được 30 hố chứa bao bì thuốc BVTV ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ môi trường cấp cho ngành còn hạn chế nên số hố chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo ông, vấn đề xử lý bao bì thuốc BVTV không nên nghiêng về phía Nhà nước và cần phải có chính sách, cộng đồng trách nhiệm từ những nhà sản xuất thuốc BVTV./.
Thanh Tùng