Tiếng Việt | English

16/01/2017 - 13:38

Xuân nơi đất khách

Tết là dịp để người người, nhà nhà quây quần bên nhau sau một năm dài vất vả. Thế nhưng, với những người xa quê, ngày tết cũng như bao ngày bình thường khác, có khi lại càng buồn hơn vì thiếu vắng không khí gia đình.

Trăm nẻo mưu sinh

Liền kề với TP.HCM, Long An cũng là một trong những địa phương thu hút khá nhiều người dân từ miền Bắc, miền Trung đến lập nghiệp. Những người đến từ miền quê xa xôi ấy, tuy khác nhau về quê hương nghề nghiệp nhưng đều có chung ý chí vươn lên, nỗ lực làm việc để thoát nghèo.


Những người xa quê cần cù, chịu khó, đánh đổi mồ hôi nơi đất khách để có cuộc sống ấm no hơn

Chị Trần Thị Tỵ (quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vào Nam làm nghề thu mua ve chai từ năm 2007 đến nay. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm mang theo rồi rong ruổi trên khắp các nẻo đường, lúc về đến nhà trọ thì trời cũng nhá nhem tối. Trước đây, chị thuê trọ tại phường 2, TP.Tân An nhưng mấy năm nay, chị chuyển lên Bến Lức. Mỗi ngày, chị thường đạp xe đi mua phế liệu ở khu vực Gò Đen, Mỹ Yên, thị trấn Bến Lức, có lúc cũng chạy xuống khu vực Nhị Thành (huyện Thủ Thừa).

Theo chị Tỵ, làm nghề này, cần nhất là không ngại cực khổ, phải niềm nở, giữ “mối” quen để khi có ve chai cần bán là họ điện thoại cho mình ngay. Được biết, chị còn một người chị ruột vào miền Nam trước chị 5 năm, hiện bán trái cây dạo cùng chồng và 2 người con gái tại quận 12, TP.HCM. Chồng chị Tỵ ở quê làm ruộng và nuôi 3 con nhỏ. “Với tôi, ngày tết buồn hơn ngày thường vì chẳng buôn bán được. Năm nay, con gái lớn học lớp 12. Tôi chỉ biết điện thoại động viên cháu cố gắng đậu đại học rồi vào đây ở cùng cho có mẹ, có con” - chị Tỵ bộc bạch.


Chị Lê Thị Thanh Lạc bán các loại đặc sản Bình Định để có thêm thu nhập, lo cho gia đình

Còn chị Nguyễn Thị Hòa, quê ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thì ban ngày bán vé số, chiều tranh thủ về luộc trứng, gọt trái cây để bán kèm với vé số tại các quán nhậu trên địa bàn TP.Tân An. Chồng chị ban ngày làm phụ hồ, ban đêm cũng tranh thủ về bán như chị để có thêm thu nhập. Trừ chi phí nhà trọ mỗi tháng là 800.000 đồng, anh chị dành dụm được từ 2-3 triệu đồng gửi về quê nuôi 2 con nhỏ ăn học. “Tôi mới về quê hồi tháng 5 lo đám tang cho mẹ nên tết này sẽ không về để tiết kiệm tiền. Nhớ con thì đành điện thoại hỏi thăm, động viên cháu học tập chứ chẳng thể bên cạnh kèm cặp, chăm nom!”.

Nặng lòng nơi đất khách

Em Lê Thị Ái Mỹ, sinh năm 1997 (quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang học làm tóc tại phường 4, TP.Tân An cho biết: “Em vào Nam được 2 năm. Tiền tàu xe ngày tết cao quá, mấy cha con em không thể về quê. Vì “miếng cơm, manh áo” mà từ lúc còn nhỏ đến giờ, chưa bao giờ em có cái tết có cả cha lẫn mẹ ở nhà. Phong Điền là huyện giáp với tỉnh Quảng Trị, quanh năm mưa lũ. Năm nay, lũ lụt liên miên mà chỉ có mình mẹ ở nhà nên em lo lắm! Em chỉ ước có được nghề nghiệp ổn định, có tiền lo cho gia đình và được gần bên mẹ!”.


Em Lê Thị Ái Mỹ đang học làm tóc tại Long An để có thu nhập ổn định và gửi về cho mẹ

Với chị Lê Thị Thanh Lạc, năm 2017 là năm thứ 8 chị làm dâu ở đất Long An. Vợ chồng anh chị yêu nhau khi còn học cùng trường tại TP.HCM rồi cưới nhau, về quê chồng sinh sống. Mẹ chồng qua đời, gia đình đơn chiếc nên trong 3 đứa con, chị phải “bấm bụng” gửi 1 cháu về quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho mẹ ruột chăm sóc. Anh làm nhân viên của một công ty viễn thông, công việc tất bật cả ngày. Chị ở nhà chăm con và bán nem, chả, cứ cách vài ngày, chị lại nhận hàng đặc sản ở quê gửi vào và bày bán tại nhà.

Vốn liếng không nhiều, chị chỉ nhận mỗi lần một ít, nào nem, chả bò, chả lụa heo, nào rượu Bàu Đá, tré, bánh tráng, mực tẩm gia vị,... Bán đặc sản quê nhà, ngoài có thêm thu nhập, chị cũng mong giới thiệu đến mọi người về quê hương mình. Tập thích nghi dần với cái tết ấm áp ở miền Nam, chị Lạc cười nói: “Long An giờ đây là quê hương thứ hai của tôi. Nếu được lựa chọn lần nữa, tôi vẫn chọn mảnh đất này vì tình cảm, con người nơi đây hiền hòa, dễ mến!”.

So với cái khô cằn do hạn hán hay những trận bão, lũ triền miên ở quê nhà, khí hậu ôn hòa, cuộc sống nơi đồng bằng Nam bộ rộng mở hơn với những người miền Trung cần cù, chịu khó. Họ - những người con xa quê phải nén lại nỗi nhớ nhà, nhớ cái tết đoàn viên nơi quê hương để hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết