Tiếng Việt | English

09/03/2017 - 10:03

Xuất khẩu gạo gặp khó

Sau khi Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) tạo dựng hàng rào kỹ thuật, tiến hành khảo sát các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của Việt Nam, kết quả Long An chỉ có 5 DN đủ điều kiện và được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Việc này khiến sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh dự báo không đạt kế hoạch.


Quy trình chế biến, sản xuất của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo

Gặp khó khăn, lượng gạo xuất khẩu giảm

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng thông tin: Long An quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa mang tính chuyên môn hóa. Theo đó, các huyện vùng Đồng Tháp Mười sản xuất lúa cao sản ngắn ngày, các huyện phía Nam gieo trồng các giống lúa đặc sản và lúa nếp địa phương. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao cũng được tỉnh quy hoạch, đến năm 2020 sẽ có 20.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Thông qua việc quy hoạch này, các DN kinh doanh xuất khẩu (KDXK) gạo duy trì điều kiện KDXK gạo và bước đầu triển khai đầu tư vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tạo dựng nguồn hàng ổn định, nâng cao chất lượng xuất khẩu.

Thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, ngày 04/11/2010 của Chính phủ về KDXK gạo và triển khai Quy hoạch thương nhân KDXK gạo, Long An có 21 DN được xuất khẩu gạo trực tiếp và 5 chi nhánh đầu tư kho, cơ sở xay xát tại Long An.

Năm 2016, các DN KDXK gạo trên địa bàn tỉnh xuất khẩu trên 820.000 tấn, chiếm khoảng 17% sản lượng xuất khẩu của cả nước (cả nước xuất khẩu được 4,89 triệu tấn), giảm 5,4% về lượng so với năm 2015. Các DN xuất khẩu gạo sang 40 nước, vùng lãnh thổ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn.

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương, tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu bị giảm, sản lượng xuất khẩu giảm. Đặc biệt, AQSIQ đã đánh giá thực tế 31 DN xuất khẩu gạo của Việt Nam, kết quả chỉ có 22 DN đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 01/01/2017. Trong đó, tại Long An, AQSIQ kiểm tra 7 DN, kết quả chỉ có 5 DN được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính vì DN được phép xuất khẩu sang Trung Quốc ít nên tình hình xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và dự báo tiếp tục giảm.


Năm 2016, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh xuất khẩu trên 820.000 tấn, chiếm khoảng 17% sản lượng xuất khẩu của cả nước

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Nguyễn Thành Mười cho biết: DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo ngoài gặp khó trước việc AQSIQ kiểm tra và tạo dựng hàng rào kỹ thuật thì còn khó khăn về nguồn vốn. Bởi hiện nay, ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo được các ngân hàng xếp vào danh sách khách hàng có rủi ro cao, giảm hạn mức tín dụng dẫn đến nguồn vốn thiếu hụt. Vụ Đông Xuân là vụ lúa có chất lượng tốt nhất trong năm nên hầu hết DN đều phải tranh thủ thu mua lúa từ vụ này. Trong khi đó, thời điểm này, có nhiều DN chưa được phép xuất khẩu sang Trung Quốc hay chưa có hợp đồng thương mại với các nước khác nhưng vẫn phải cố gắng ứng vốn cho nông dân ở các cánh đồng lớn từ đầu vụ Đông Xuân và thu mua lúa của vụ này.

Ông Nguyễn Thành Mười thông tin thêm: Vụ Đông Xuân 2016-2017, công ty đầu tư và ứng 28 tỉ đồng cho nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn ở huyện Tân Hưng và Thạnh Hóa với diện tích khoảng 4.000ha. Đến thời điểm này, công ty cùng nông dân thu hoạch trên 1.500ha. Trong 2 tháng đầu năm 2017, công ty xuất khẩu 60.000 tấn gạo.

Ngoài khó khăn từ thị trường Trung Quốc, các DN trên địa bàn tỉnh đều ngưng xuất khẩu sang Mỹ do gạo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.


Theo thống kê từ Sở Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu ước đạt 100.000 tấn gạo, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2016

Làm gì để gỡ khó?

Công ty TNHH Dương Vũ là 1 trong 5 DN được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sau khi AQSIQ kiểm tra. Theo Giám đốc công ty - Nguyễn Quang Hòa: “Không phải được phép xuất khẩu sang Trung Quốc là DN “dễ thở”, bởi cạnh tranh trong KDXK gạo giữa các nước hiện nay khá cao. Thêm vào đó, đối thủ lớn của hạt gạo xuất khẩu Việt Nam là Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. Thái Lan tuyên bố xả kho gạo là bất lợi không nhỏ khiến giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh”.

Để đối phó với tình trạng trên, ông Nguyễn Quang Hòa cho biết, DN đang nỗ lực từng ngày trong nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nâng cấp hạ tầng, máy móc, thiết bị, kho bãi,... Ngoài ra, việc giảm chi phí sản xuất thông qua việc tiêu thụ sản phẩm phế phụ, giảm thất thoát, việc khắt khe hơn trong các chuỗi sản xuất, thương mại, vận tải,... cũng được DN thực hiện để có giá thành sản phẩm tốt nhất nhằm gia tăng sức cạnh tranh.

Trước những khó khăn hiện tại, nhằm đẩy mạnh sản xuất, KDXK lúa gạo, Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn nhằm quay vòng cho quá trình sản xuất; công bố danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nước, đồng thời tham khảo danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở các nước khác để định hướng cho sản xuất trong nước nhằm bảo đảm sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn trong nước mà còn đáp ứng quy định của nước ngoài.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề xuất AQSIQ xem xét thẩm định lại các DN xuất khẩu gạo không đạt đợt kiểm tra lần trước để DN có cơ hội xuất khẩu gạo. Đối với DN, Sở Công Thương đề xuất tiếp tục phối hợp nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; nâng cấp hạ tầng cơ sở đáp ứng đủ các yêu cầu của khách hàng.

Từ kết quả kiểm tra của AQSIQ, sau khi đánh giá thực tế 31 DN sản xuất, chế biến gạo Việt Nam, cơ quan này chỉ công nhận đối với 22 DN. Các DN được AQSIQ “duyệt” có đủ điều kiện về hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và các yêu cầu khác về quản lý chất lượng đối với gạo nhập khẩu.

Theo đó, từ ngày 01/01/2017, chỉ các DN có tên trong danh sách 22 DN nói trên được phép xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, mốc thời gian được tính từ ngày hàng rời cảng Việt Nam. Các DN không có tên trong danh sách trên đương nhiên không được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết