Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong cuộc gặp tại Tokyo, Nhật Bản vào sáng 17/12/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Chính phủ Lào sẽ thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 06-07/01/2024.
Đây không chỉ là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Sonexay Siphandone trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Lào mà còn là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2024.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhưng vẫn đang nỗ lực tập trung triển khai nghị quyết của mỗi Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; mối quan hệ hợp tác đang trên đà phát triển tốt đẹp, các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, các tuyên bố chung nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, các hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ đang được tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần giữ đà cho quan hệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Cùng với các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Sonexay Siphandone tới Việt Nam lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ tiếp tục tái khẳng định truyền thống gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, mà còn thể hiện tính chất đặc biệt trong quan hệ đặc biệt Việt-Lào, cho thấy nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc duy trì đà phát triển quan hệ song phương.
Năm 2023, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp, mối quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần vào việc đảm bảo sự ổn định phát triển của mỗi nước; tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Quan hệ chính trị tiếp tục tăng cường và phát triển ngày càng sâu sắc, gắn bó, tạo được lòng tin chính trị cao, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh được tổ chức tốt, góp phần duy trì ổn định, trật tự xã hội ở mỗi nước và xây dựng đường biên giới Lào-Việt Nam là đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển toàn diện.
Lào luôn đứng đầu trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam luôn là một trong những nước đứng đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào.
Hai bên tiếp tục phối hợp tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt Liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong các thời kỳ chiến tranh…
Quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại văn hóa, khoa học-kỹ thuật cũng không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu.
Năm 2023, hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, trở thành một trong những động lực quan trọng giúp cho quan hệ hợp tác hai nước ngày càng hiệu quả.
Lào luôn đứng đầu trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam luôn là một trong những nước đứng đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào.
Một số dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành theo kế hoạch như sân bay Nongkhang tại tỉnh Houaphanh, Bệnh viện Hữu nghị Lào-Việt tại tỉnh Xiengkhuang đã được bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2023, tạo điểm nhấn và được lãnh đạo cấp cao Lào đánh giá cao.
Hai nước tiếp tục tích cực tập trung giải quyết các khó khăn trong hợp tác kinh tế-thương mại; tiếp tục đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch.
Các đại biểu cắt băng khánh thành, bàn giao Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp Bệnh viện Xaysomboun - quà tặng của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào nói chung và chính quyền nhân dân Xaysomboun nói riêng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Nhiều dự án hợp tác được hai bên quan tâm thúc đẩy như Dự án Phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3 đã cơ bản đạt được thỏa thuận, đang triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hành xây dựng và vận hành trong thời gian sớm nhất; các dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane cũng được tích cực thúc đẩy, tìm nguồn lực, chuẩn bị triển khai…
Hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô; có các chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng kim ngạch thương mại hai chiều.
Hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề tiếp tục được đặc biệt quan tâm, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao.
Hai bên cũng tích cực triển khai các dự án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Lào-Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục cấp 1.120 suất học bổng cho cán bộ và sinh viên Lào sang Việt Nam học tập. Hiện tổng số sinh viên Lào học tập tại Việt Nam là 14.050 người trong khi số lượng lưu học sinh Việt Nam học tập tại Lào khoảng 250 người.
Việc hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương có chung đường biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; góp phần nâng cao vị thế hai nước trên trường quốc tế; tích cực hỗ trợ Lào đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2024...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Sonexay Siphandone cũng sẽ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào lần thứ 46, một trong những cơ chế hợp tác thường niên quan trọng nhất giữa hai nước.
Tại kỳ họp, hai bên sẽ đánh giá các kết quả thực hiện kỳ họp 45, việc triển khai các nội dung cam kết của kỳ họp 45, đưa ra các kế hoạch hợp tác trong năm 2024 và phương hướng thời gian tới.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, trước tình hình thực tế gần đây có những chuyển biến nhất định về làn sóng đầu tư của doanh nghiệp lớn Việt Nam sang Lào, kỳ họp thứ 46 lần này có khả năng tạo bước đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế với xu hướng hợp tác kinh tế sẽ đi vào chiều sâu, góp phần tăng cường thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng bền chặt.
Với lịch trình dày đặc và các nội dung trao đổi, thảo luận hết sức thiết thực, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tới Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những xung lực mới để thúc đẩy đưa quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo; góp phần đưa hợp tác kinh tế trở thành một trong những trụ cột vững chắc cùng với các trụ cột chính trị, an ninh-quốc phòng, đúng như nguyện vọng của các lãnh đạo, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.
Theo vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xung-luc-moi-cho-moi-quan-he-hop-tac-dac-biet-viet-nam-lao-post919298.vnp