Rau, quả được thu gom để chuyển tới giúp đỡ người dân ở vùng dịch đang gặp khó khăn
Các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan được chính quyền triển khai rất khẩn trương và quyết liệt. Nhưng rồi số ca nhiễm được phát hiện bởi nhiều nguồn khác nhau cứ xuất hiện, tăng dần, tăng dần ở các địa phương trong tỉnh. Ngay cách nhà tôi ở chỉ vài trăm mét, đã phát hiện ca nhiễm và hàng cục hộ dân phải cách ly.
Trong tỉnh đã vậy, nghe ngóng thông tin từ TP.HCM và các tỉnh lân cận tình hình dịch cũng đang rất căng thẳng. Có nghĩa, Long An với địa bàn giáp với TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, công nhân lưu trú đông đúc sẽ càng tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ dẫn đến dịch sẽ phức tạp hơn.
Nguy cơ đó, còn cả ở biên giới, bởi số ca nhiễm bên Campuchia vẫn không ngừng tăng lên. Người Việt mình sinh sống, làm việc bên đó rất nhiều. Nếu không cảnh giác, rất dễ xảy ra nhập cảnh trái phép về nước tránh dịch và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Như nhiều địa phương khác, từ ngày 08/7/2021 đến nay, tỉnh đã áp dụng phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 tại những địa bàn trọng điểm đông dân cư, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại dịch vụ. Nơi tôi ở TP.Tân An, trung tâm của tỉnh cũng nằm trong diện đó.
Nhiều biện pháp phòng, chống dịch ở mức nghiêm ngặt, siết chặt ở mức cao được áp dụng, không chỉ giãn cách xã hội và dừng nhiều dịch vụ, ngay cả việc người ngoài tỉnh khi vào Long An phải có giấy xét nghiệm, test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 theo thời gian quy định 3 ngày.
Một cuộc sống mới hạn chế tiếp xúc, giao lưu, chủ yếu lòng vòng trong nhà ngay lập tức được hiện hữu, tác động đến nhiều mặt, lĩnh vực và đời sống, sinh hoạt, đi lại, làm việc kiếm tiền của người dân. Nhưng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng thì người dân không hề bất ngờ, hoang mang mà đã có sự chủ động trước. Người dân hiểu rằng, đó là biện pháp rất cần thiết, phù hợp để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Hiểu và nhận thức rõ điều này, gia đình tôi, bạn bè tôi và nhiều người hàng xóm nơi tôi sinh sống đều nghiêm chỉnh chấp hành. Không có việc thực sự cần thiết thì không ra ngoài đường, ngay cả cái việc tập thể dục chạy bộ ngoài đường vào mỗi sớm mai cũng ngưng luôn.
Hay việc đi mua sắm thực phẩm ở những chỗ đông người hiện cũng bớt lại. Vợ tôi, nhanh chóng áp dụng phương pháp mua hàng qua mạng và được đưa đến giao tận nhà. Con tôi dù còn mới hơn 6 tuổi nhưng vẫn làm một tuyên truyền viên vì hay nói "Bây giờ ở nhà là yêu nước".
Cứ thế, những ngày qua nhiều người, gia đình vẫn cầm cự trong bối cảnh đó. Buồn lắm, nhớ lắm cái không khí nhộn nhịp của con đường, khu phố là cảm nhận của rất nhiều người. Trong khoảng thời gian này, nhiều thứ tôi và nhiều người khác không có cũng được như ngồi quán, ăn nhậu với bạn bè,... Nhưng riêng chuyện ăn, uống thì ai cũng cần để duy trì sức khỏe, sinh mạng.
Phiên chợ 0 đồng
"Ngồi ăn, núi lở", câu nói này có thể đúng phần nào trong hoàn cảnh này. Đối với những lao động tự do, thời vụ thì dịch kéo dài sẽ càng gặp nhiều khó khăn, không có việc làm tức là không có thu nhập. Điều đó cũng đồng nghĩa chuyện cơm, gạo hàng ngày, trong lúc này đây đang là gánh nặng, chứ chưa kể đến những điều tréo ngoe khác trong cuộc sống như bệnh tật, ốm đau.
Tiền đâu mà trả phòng thuê trọ, nuôi mấy miệng ăn trong nhà, trong khi nguồn tích lũy bấy lâu này thì cạn rồi vì có được nhiêu đâu chú ơi!...Không lo sao được khi ở đô thị, ngay cả mớ rau cũng phải đi mua, mà dịch dã thế này thì thực phẩm lại càng thêm đắt đỏ.
Lời than vãn của chị Liên ở cạnh nhà tôi - người vốn mưu sinh bán vé số tại các cung đường, quán sá ở TP.Tân An. Chị Liên hiện khoảng 40 tuổi, quê ở Đồng Tháp. Những năm qua, chị đưa theo 2 đứa con rời quê lên Long An thuê phòng trọ ở bán vé số.
Đứa con lớn 12 tuổi, đứa nhỏ mới 6 tuổi. Vì hoàn cảnh 2 đứa nhỏ không được đi học. Hàng ngày, đứa lớn đã tự tách đi bán vé số kiếm thu nhập giúp mẹ, còn đứa nhỏ vẫn lẻo đẻo theo chị Liên. Bình thường, từ nguồn bán vé số của 2 mẹ con cũng mang lại nguồn thu 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, để sinh sống, trả tiền thê phòng trọ, điện, nước. Nhưng gần đây, do dịch vé số tạm dừng phát hành, có nghĩa mẹ con thất nghiệp.
"Cứ dịch dã kéo dài, phức tạp thế này, ngoài nỗi lo bị mắc bệnh dịch còn bao áp lực cuộc sống khác. Mấy hôm nay, tui định dắt 2 con về quê ở dưới Đồng Tháp, nhưng dưới đó dịch còn bùng hơn trên này nữa, sao mà về được. May mà hiện mẹ còn còn tích cóp được một ít để sống cầm cự trong những ngày này", chị Liên nói.
Có lẽ, nhiều người gia đình có hoàn cảnh tương tự như chị Liên. Long An, mấy hôm nay mưa, nắng thất thường, trong khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành, anh Tám, quê ở Quảng Nam ở yên trong phòng trọ nhỏ, trừ lúc ra ngoài mua đồ ăn. Vợ làm công nhân, còn anh bình thường đi làm phụ hồ, bốc vác. Vậy nhưng, do dịch bệnh bùng phát nên chủ thầu đang tạm ngừng.
Công việc cơ bắp này trả công theo giờ, theo ngày nên không có việc làm là coi như khổ, tiền không vô mà lại phải ra đều đều, dù rất tiết kiệm. "Hết ngồi rồi nằm, rồi lại ngắm mưa, nhìn nắng mà xót ruột, rầu rĩ, chỉ cầu mong cho dịch nhanh chóng qua đi, cuộc sống trở lại bình thường", anh Tám thổ lộ.
Xác định vô vàn khó khăn do đại dịch gây ra, nhiều địa phương đã và đang nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là chính sách đặc biệt, an sinh xã hội nên các cấp, các ngành rà soát rất kỹ, tránh để sót đối tượng được thụ hưởng.
Trong đó, tại Long An, nơi tôi đang sống, qua rà soát đến thời điểm này, dự kiến có khoảng 20 ngàn lao động tự do như chạy xe ôm, bốc vác, bán vé số,... sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Một con số không hề nhỏ so với một tỉnh lỵ như Long An.
Người lao động tự do được hỗ trợ khi đủ các điều kiện: bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố; đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú. Mức hỗ trợ 50 ngàn đồng/người/ngày, nhân với số ngày mất việc. Thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Khi nhận được thông tin này, chị Liên, anh Tám - những người bán vé số, bốc vác đang thất nghiệp do dịch mà tôi kể trên rất vui mừng vì có một khoản để cầm cự trong lúc đại dịch.
Ngoài những gói hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng là vô cùng quý giá. Mấy ngày nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều việc làm, hành động ý nghĩa giúp đỡ nhau chống chọi với dịch Covid-19. Nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đã tự đóng góp kinh phí, vận động trao tặng những phần quà nhu yếu phẩm đến những khu, địa điểm cách ly, gia đình hoàn cảnh khó khăn,...
Hôm trước, một đồng chí Chủ tịch xã ở Bến Lức thông tin với tôi rằng, cán bộ, đảng viên, nhân dân ở xã vừa đóng góp và vận động ủng hộ hàng ngàn trái khóm, mấy tấn chanh cho các khu cách ly và người dân ở khu vực đang khoanh vùng. Những sản vật ấy đều do người dân địa phương sản xuất được.
Và hôm qua, một người bạn gọi điện cho tôi biết, những ngày gần đây, đoàn thể và một số cá nhân ở nhiều xã của 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc đã đóng góp, vận động trao tặng nhiều tấn rau xanh cho người dân đang gặp khó khăn do dịch.
Còn hôm nay, tôi được nghe kể về vợ, chồng già ở Đức Huệ sẵn sàng mua hàng tấn rau về và phân chia ra thành từng bịch lớn rồi nhờ chính quyền đưa đến trao tặng cho người dân khó khăn trong vùng đang khoanh vùng.
Theo báo cáo, đến tối ngày 16/7, Long An ghi nhận 580 ca mắc Covid-19, trong đó, có 564 ca trong cộng động, 16 ca nhập cảnh. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 4.650 trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà 10.372 người và đã điều trị khỏi bệnh 28 ca, 4 ca tử vong. Con số này cho thấy tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn rất phức tạp.
Các phương án phòng, chống dịch sao cho tốt nhất, đặc biệt là thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế đã được bàn bạc, có phương án cụ thể để không bị động. Cùng với đó, rất nhiều vấn đề khác quan trọng, nhiều áp lực cũng được tỉnh quan tâm, giải quyết. Trong đó, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là ưu tiên.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của nhà nước, ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch là điều quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những hoàn cảnh khó khăn, người dân trong các khu cách ly, phong tỏa là rất thiết thực.
Nhận được phần quà, người dân rất vui
Ở các khu cách ly ngoài đội ngũ y tế, cán bộ chiến sĩ, còn có sự tham gia của những tình nguyện viên, trong đó có những bạn thanh niên còn rất trẻ mười tám, đôi mươi đến phục vụ. Những gói quà quê là rau, củ, quả chuyển đến giúp các khu cách ly, người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dịch, có thể giá trị vật chất không lớn nhưng lại vô cùng quý giá.
Không chỉ tại Long An, nhìn về TP.HCM- nơi dịch bệnh đang xảy ra phức tạp nhất cả nước lại càng thấy được sự sẻ chia của cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành và nhân dân cả nước đang hướng về TP.HCM với sự quan tâm, tình cảm đặc biệt. Qua đó, những ngày qua, TP.HCM nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều địa phương và nhân dân trong cả nước giúp đỡ, hỗ trợ cả nhân lực, vật lực, nhu yếu phẩm.
Những đoàn xe chở nhu yếu phẩm cứ thẳng tiến về TP.HCM, giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn, trong các khu, địa bàn cách ly làm lan tỏa những hành động, việc làm đầy ắp tình cảm ấm áp, nghĩa tình, tử tế, thương yêu con người, đồng bào trong khó khăn hoạn nạn. Có lẽ, việc tiếp ứng giúp đỡ nhu yếu phẩm, vật lực, nhân lực về TP.HCM như gần đây không mấy khi diễn ra, bởi nơi đây là trung tâm kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, những món quà quê ở mọi miền đất nước gửi đến giúp đỡ người dân khó khăn do Covid-19 là sự chất chứa cả tấm lòng, sự động viên, tiếp sức rất quý báu. Đó còn là những việc làm, hành động làm lan tỏa truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau của dân tộc Việt Nam, sẽ là sức mạnh để nhanh chóng "chiến thắng" dịch Covid-19./.
Lê Đức