Tiếng Việt | English

10/02/2016 - 09:51

Tuổi Thân con khỉ ở lùm...

Minh họa Thiện Mỹ

Vị thứ đẹp trong hàng thập nhị địa chi

Không rõ từ nguyên do nào mà khỉ được xếp ở vị trí thứ 9 trong hàng thập nhị địa chi (12 con giáp) với tên gọi là “thân”. Số 9 (cửu), theo thiên can địa chi, là con số dương cao nhất trong hàng số lẻ (do vậy mới có cửu trùng, cửu đỉnh, cửu vân, cửu thiên, cửu tộc,...); và cũng có thể do bản chất của khỉ gần với con người - giống loài sinh học đặc biệt của thế giới - cho nên khỉ không “thèm” nằm trong hàng ngũ tứ linh (long, lân, quy, phụng) mà gần gũi, đứng cạnh con người hơn. Khỉ lanh lẹ, táy máy, nghịch ngợm, leo trèo giỏi, thích kêu hú, do vậy, giờ thân là khoảng thời gian từ 15 đến 17 giờ, là giờ mà khỉ thích kêu la, bộc lộ bản chất hoang dã.

Theo tử vi, người tuổi thân là những người vui vẻ, năng động, khéo tay, tài ba, nhiều sáng kiến, nhạy bén trong kinh doanh, chỉ có một vài nhược điểm như nói nhiều, tính khí thất thường (thế mới là khỉ!).

Thật ra, loài khỉ được đứng ở vị trí số 9 tuyệt đẹp ấy cũng là vì người xưa sớm thấy được rất nhiều điểm giống nhau giữa chúng với người, nhất là sự thông minh.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, họ khỉ (Cercopithecidae) là động vật có vú, sống rộng khắp từ Bắc Phi đến Đông Nam Á. Tay chân có móng, cánh tay và chân gần như bằng nhau, chúng đi ăn thành đàn, chủ yếu ăn quả, sinh sản quanh năm (mang thai 7 tháng, đẻ 1 con), trưởng thành sau 5 năm, tuổi thọ khoảng 15 năm. Ở Việt Nam có 5 loài, trong đó, đa số là khỉ vàng (Monkey Mulatta) ở miền Bắc và khỉ nước (Monkey Fascicularia) ở miền Nam. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có khỉ hầu (Primates) với 23 loài và phân loài; khỉ mặt đỏ (Macaca Artoides) sống chủ yếu ở rừng núi phía Bắc.

Các nhà di truyền học cho rằng, có đến 99% cấu trúc ADN của con tinh tinh giống với con người. Và nếu so sánh với toàn bộ dòng họ tộc khỉ nói chung (gồm khỉ đột, vượn, đười ươi, voọc,...) thì kết quả là có đến 98,4% cấu trúc phân tử ADN của khỉ giống với người, đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, 12-4-2002, [dt. AP và BBC].

Có lẽ vì những điều trên mà hình ảnh con khỉ sớm đi vào mọi ngóc ngách của thế giới loài người, từ thần thoại - như hình ảnh Tôn Ngộ Không trong Tây du ký (Trung Hoa), hay hình ảnh khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana (Ấn Độ),... - cho đến thực tại, trong văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa dân gian của người Việt.

Dòng họ “chuyền qua nhảy lại”

Khỉ là động vật hoang dã phù hợp với môi trường sống là rừng núi, khí hậu ở Việt Nam. Từ xa xưa, khỉ và “bà con” của khỉ như: Vượn, đười ươi, khỉ đột, voọc,... đã hiển hiện và gắn bó với con người đến nỗi ông bà ta phân biệt rạch ròi giống loài này như khỉ nước (cũng được gọi là khỉ cá, khỉ cua vì ăn tôm, cua, cá), khỉ vàng (hay khỉ đỏ), khỉ hầu với phân loài đặc hữu là voọc (như voọc mũi hếch, cu li lùn, voọc đầu trắng, voọc đen má trắng, voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh,...), khỉ mặt đỏ (còn được gọi là khỉ đen, khỉ độc, khỉ gấu),... còn nói về vượn thì có vượn đen (hay vượn đen tuyền), vượn tay trắng,...

Do diện mạo, bản chất lanh lẹ, táy máy, hay bắt chước, thích nghịch phá, sống thành bầy đàn, nuôi con như người nên khỉ được người Việt xem là động vật thân thiện với mình, thành thử trong dân gian có không ít ca dao, tục ngữ nói về con khỉ. Người ta mượn hình ảnh con khỉ để phản ánh nhiều điều, chẳng hạn, nói nơi khỉ ho cò gáy là dùng để chỉ những nơi xa xôi, hẻo lánh, rừng rú, ít người qua lại hoặc nơi đất đai khô cằn, khó trồng trọt; khi nói “Cấm khỉ một ngày biết khỉ múa” là có hàm ý nuôi khỉ một ngày cũng biết tính nó; “Khỉ phải mắm tôm” dùng để diễn tả những người có mặt mũi nhăn nhó, cau có, dễ gắt gỏng, cáu kỉnh; “Khỉ tự vặt lông khỉ” là diễn đạt ý: Mình tự hại mình, nội bộ bất hòa; “Khỉ chê khỉ đỏ đít” có nghĩa: Không thấy khuyết điểm của mình mà chỉ thấy lỗi của người khác (giống như Chó chê mèo lắm lông, Lươn ngắn lại chê chạch dài); “Khỉ bắt chước người” (như Bắt chước Tây Thi); “Khỉ già còn đôi khi rơi vách đá” có nghĩa người tài giỏi cũng có khi sai sót (như Thánh nhân còn có khi nhầm); “Vượn lìa cây có ngày vượn rũ” hàm ý tách rời môi trường thân thuộc thì khó mà tồn tại được.

Thêm nữa, khi nói “Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo” là muốn nói bản chất xấu xa thì cứ lộ ra, không thể nào che đậy được; nói “Khinh khỉ mắc độc già” (độc là một loài khỉ dữ) có hàm ý chê một thứ gì lại gặp thứ xấu hơn hoặc dùng “Rung cây nhát khỉ” để nói đến việc dọa nạt ai đó không có tác dụng,... Có lẽ, chúng ta vẫn chưa thống kê hết những câu nói ẩn dụ có mượn hình ảnh khỉ, nhưng rõ ràng, chúng trở thành “nhân vật” trung tâm của những kiểu nói có hàm ý: Chai như đít khỉ; Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa; Voi đú, khỉ đú, chuột chù cũng nhảy cẫng; Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà; Gần rừng lại không biết khỉ đỏ đít; Đười ươi giữ ống; Đuôi hai cái, dái khỉ già; Dạy khỉ leo cây; Đánh đu với khỉ;...

Như ta biết, vùng đất Nam bộ xưa vốn là vùng hoang sơ, cây cối chằng chịt, sông rạch như lưới giăng, trên rừng thì chim kêu, vượn hú, muỗi kêu như sáo thổi, dưới sông thì đĩa lềnh như bánh canh, chính là nơi lý tưởng cho loài khỉ sinh sống. Khỉ trở nên gần gũi với con người đến nỗi khi cần định nghĩa, đặt tên, biểu thị một điều gì, người ta lại nhớ tới... khỉ như: Mặt nhăn như khỉ, như khỉ ăn gừng/ ớt, cầu khỉ, làm trò khỉ, hứa hươu hứa vượn (hay tán hươu tán vượn),... Và khi cần bộc lộ tình cảm yêu thương, gắn bó, người ta cũng mượn hình ảnh của giống loài này để đưa vào ca dao, dân ca: Tuổi thân con khỉ ở lùm, chuyền qua nhảy lại té ùm xuống sông hoặc Má ơi đừng gả con xa, chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu,...

Đặc biệt là ở mỗi vùng, người ta lại có những cách biểu hiện tình cảm khác nhau; chỉ với hình ảnh “con vượn bồng con” mà có biết bao điều muốn gửi gắm trong đó:

Con vượn bồng con lên non hái trái,
Thấy con vượn trèo, anh khoắc khoải nhớ em.

(Bình Hòa Phước - Long Hồ - Vĩnh Long)

Nước chảy bon bon,
Con vượn bồng con,
Lên non hái trái,
Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi.

(Hà Tiên - Kiên Giang)

Vượn bồng con lên non hái trái,
Đoạn sầu này để lại cho ai?

(Châu Đốc - Kiên Giang)

Vì khỉ hiện diện thường trực trong đời sống cũng như trong tâm thức của người Việt xưa cho nên khỉ nhanh chóng trở thành phương tiện thể hiện mục đích phát ngôn trong giao tiếp đời thường. Chẳng hạn, khi thể hiện sự từ chối, không đồng ý với ai đó về một điều gì đó, người ta dùng “khỉ quẹt” (Khỉ quẹt, ai mà tin nó!); khi cần phủ định, bác bỏ một điều gì, người dùng “khỉ cùi”, “khỉ khô”, “khỉ họ”, “khỉ dộc” hay “khỉ mốc”, ví dụ: Khỉ cùi! Làm gì có chuyện đó!/ Làm cái khỉ khô gì vậy!/ Khỉ mốc, tui dư sức làm!,...

Thật tội cho con khỉ, do bản tính liến thoắng, nghịch ngợm, táy máy mà từ xưa, ông bà ta đã lấy... khỉ ra để làm tiếng chửi nhằm mắng mỏ, la rầy, nhất là khi kết hợp với “đồ” như: Đồ khỉ gió!, Cái thứ gì mà khỉ khọn (khỉ khọt) quá!, Đồ khỉ mắc phong!, Sao cứ giơ mắt khỉ ra vậy? hay Thằng này cốt khỉ mà!,...

Cũng phải thừa nhận rằng, ông bà xưa cũng rất tinh tế khi mượn hình ảnh của khỉ để làm tiếng chửi. Khi nói khỉ khọn, khỉ dộc, khỉ gió hay khỉ khọt thì lấy cả dòng họ khỉ ra để làm phương tiện mắng mỏ. Bởi lẽ, khọt (trong khỉ khọt), khọn (khỉ khọn), gió (khỉ gió), dộc (khỉ dộc), mốc (khỉ mốc) đều là giống loài khỉ. Ca dao Nam bộ có câu: Cà Mau khỉ khọt trên bưng, dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um. Từ điển Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) ghi khọn là khỉ, làm trò khọn là làm trò khỉ. Huỳnh Tịnh Của cũng giải thích dộc là “chỉ chung các thứ khỉ, thứ tay dài hơn chơn”.

Bên cạnh đó, trong dân gian, con khỉ gió cũng là tên gọi khác của con cu li hoặc tên gọi con khỉ mốc là loài khỉ thuộc bộ khỉ hầu (Từ điển Bách khoa Việt Nam). Như vậy, ông bà xưa nói cái gì cũng có căn nguyên của nó, ví như tên gọi con khỉ khô vốn có thể ra đời từ việc thợ săn xưa bắt khỉ nấu cao, thường nhốt khỉ vào lồng đến chết để đem nấu thành cao khỉ (điều này đã được Sơn Nam nói đến trong truyện ngắn Cao khỉ U Minh), y học cổ truyền cũng dùng khỉ vàng để nấu cao điều trị các trường hợp suy nhược, gầy yếu.

ìn chung, cuộc đời của khỉ kéo dài trung bình 15-16 năm, có loài đặc biệt đến 30-40 năm nhưng với con người, khỉ là loài vật thân thiết, yêu có, ghét có, mắng mỏ cũng có nên khỉ cũng là biểu tượng trong phong thủy. Chúng ta có hình tượng mã thượng phong hầu là tượng một con khỉ ngồi trên lưng ngựa. Chữ “phong hầu” (hầu cũng là khỉ) ở đây cũng mang ý nghĩa mong được thăng quan tiến chức, hợp với người mong được phát triển trong công việc.

Ngoài ra, Binh pháp Tôn Tử xưa cũng có kế Sát kê hách hầu (kế thứ 25 trong Tam thập lục kế) là kế giết gà dọa khỉ; theo đó, khỉ vốn sợ máu nên người ta thường mang con gà đến dưới gốc cây, cắt tiết cho gà giẫy giụa, khỉ trên cây nhìn thấy máu sợ mà ôm mặt run lẩy bẩy, thậm chí có con choáng váng, buông tay rơi xuống đất và bị người bắt lấy.

Tóm lại, nói gì thì nói, “khỉ vẫn là khỉ”, có đủ tư cách đại diện của một chi trong thập nhị địa chi, có bản lĩnh trong ứng đáp (Con chó chê khỉ lắm lông, khỉ lại chê chó ăn dông, nằm dài/ Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm), đến cả trong nhân tướng học, người ta cũng cho rằng, người có mặt hầu, tay gấu là “dị tướng”, thường làm lớn, có tài, đáng tin cậy.

Tiễn năm Mùi đi, đón năm Thân tới. Mong sao mọi sự an lành, sung túc, thăng tiến và thành công!./.

Tiến sĩ Trần Văn Tiếng (Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM)

Chia sẻ bài viết