Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường (ảnh chụp sáng 27/6/2018)
Rác thải vương vãi khắp nơi!
Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Long An còn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, chủ yếu là túi nylon. Có khi, những đống rác này nằm ngay cạnh bảng “Cấm đổ rác”! Khi phúc tra 30 xã, phường, thị trấn để công nhận và công nhận lại danh hiệu văn hóa, văn minh đô thị năm 2017, có đến 24 đơn vị bị trừ điểm vì “còn rác thải sinh hoạt vứt trên đường”.
Châu Thành là huyện chuyên canh cây thanh long nhưng cũng từ đó, nhiều vấn đề về môi trường phát sinh như tình trạng vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên ruộng; giấy báo vứt tràn lan tại kho thanh long, vương vãi trên một số tuyến đường giao thông nông thôn,...
Trên nhiều tuyến quốc lộ hoặc trục đường chính có nhiều phương tiện qua lại, tình trạng này còn tồi tệ hơn. Chị Ngọc Châu (nhà cặp Quốc lộ 1, đoạn qua TP.Tân An) cho biết: “Người dân khu vực này có hợp đồng thu gom rác, còn rác trên đường là do người đi đường “vô tư” vứt xuống. Những dịp lễ hay tết, xe qua lại đông, rác vứt đầy đường!”.
Tương tự Quốc lộ 1, tuyến Quốc lộ N2, đoạn qua xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa cũng tràn lan rác thải. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Đông - Lê Văn Quang, mặc dù người dân và chính quyền địa phương rất nỗ lực giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng khách vãng lai cứ vứt rác “vô tội vạ” làm mất vẻ mỹ quan nông thôn.
Cùng “nỗi khổ” với Hòa Khánh Đông là xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Tuyến đường Bến Lức - Chợ Đệm, đoạn qua địa bàn xã có rất nhiều phương tiện lưu thông, tình trạng người đi đường vứt rác bừa bãi là điều không thể tránh khỏi. Trưởng ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú - Bùi Văn Được cho biết, cứ mỗi dịp lễ, tết, lượng xe lưu thông tăng thì lượng rác bị vứt lại trên đường cũng tăng theo.
Cần nhiều nỗ lực
Để khắc phục tình trạng vứt rác thải bừa bãi trên các tuyến đường, xã Thanh Phú thành lập nhiều tổ nhặt rác do đoàn thể, người dân trong xã đảm nhiệm. Thành viên các tổ đi bộ dọc theo tuyến đường thu gom rác thải. Qua đó, vừa góp phần giữ vệ sinh môi trường, vừa tác động, nâng cao ý thức của người dân địa phương. Sau nhiều năm duy trì hoạt động, tổ nhặt rác này được nhân rộng.
Xác định môi trường là TC không bền vững, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Đông - Lê Văn Quang cho biết, địa phương tập trung làm tốt công tác vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Hàng tháng, cán bộ xã đều tổ chức dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường trên địa bàn. Hiện tại, xã không còn bãi rác lộ thiên, đó là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận. Ông Quang khẳng định, trên 90% người dân địa phương có ý thức bảo vệ môi trường. Các tuyến đường lớn trên địa bàn xã đều có xe thu gom rác. Những hộ dân ở xa tuyến đường chính tự xử lý rác thải tại nhà bằng cách phân loại và đốt.
Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường (ảnh chụp sáng 27/6/2018)
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, ngụ ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, thường phân loại rác tại nguồn, rác hữu cơ tận dụng trồng rau, rác vô cơ, túi nylon thì đốt. Ông nói: “Các hội, đoàn thể và Ban Công tác Mặt trận ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ngày càng nâng cao nhận thức, không còn vứt rác bừa bãi trên đường”.
Tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, ngoài đẩy mạnh vận động người dân, chính quyền địa phương còn thực hiện truyền thanh lưu động hàng tuần. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Lê Em cho biết: “TC môi trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân nên ngoài tuyên truyền thông qua hội, đoàn thể, các cuộc họp,... địa phương còn tổ chức phát loa lưu động do cán bộ truyền thanh xã phụ trách, mỗi tuần đi tuyên truyền một lần”.
Thực hiện tốt TC về môi trường không thể “ngày một, ngày hai” mà cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân. Muốn làm được điều này, cần tăng cường tuyên truyền, vận động và chính quyền, đoàn thể, đảng viên cần gương mẫu thực hiện. Một khi người dân nâng cao ý thức trong việc tham gia bảo vệ môi trường thì sẽ hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường./.
Phương Phương