Tiếng Việt | English

09/10/2017 - 11:51

“Ê hề” khu tái định cư

Những khu tái định cư (TĐC) được kỳ vọng giúp người dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, an cư, lạc nghiệp nhưng thực tế, rất nhiều khu TĐC trên địa bàn tỉnh Long An còn trong tình trạng “ê hề”, cuộc sống người dân rất khó khăn.

Hạ tầng kỹ thuật của các khu tái định cư còn rất “ê hề”

Hạ tầng kỹ thuật yếu kém

Bến Lức - một trong những huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, những năm qua, hàng loạt dự án xây dựng khu dân cư (KDC), khu, cụm công nghiệp được khởi công xây dựng. Kéo theo đó, hàng ngàn hécta đất, hàng ngàn hộ dân phải di dời chỗ ở để phục vụ các dự án.

Để người dân sau khi bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, an cư, lạc nghiệp, toàn huyện triển khai bồi thường 11 dự án dân cư - TĐC với diện tích khoảng 305ha. Mặc dù, các chủ đầu tư cam kết hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật trước khi bố trí người dân vào ở nhưng thực tế hơn 10 năm qua, có những khu TĐC, người dân vào ở nhưng đến giờ này, hạ tầng kỹ thuật rất “ê hề”.

Tại xã Thạnh Đức, dự án Khu vui chơi giải trí phức hợp Happyland chuẩn bị thực hiện thì hàng trăm hécta đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của người dân được thu hồi, chủ đầu tư cam kết thực hiện các khu TĐC với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để bố trí TĐC cho người dân.

Trong đó, khu TĐC giai đoạn 1 với diện tích 10,8ha bố trí 445 lô nền, hiện người dân được bố trí 405 lô và có gần 200 hộ xây dựng nhà ở. Nhưng hơn 10 năm qua, những tuyến đường giao thông trong khu TĐC nà vẫn chưa được thực hiện đúng cam kết của chủ đầu tư. Thậm chí, trong những năm đầu, đến điện, nước, người dân phải bỏ tiền ra thực hiện.

Trưởng ấp 6 - Trần Văn Lưu cho biết: “Gia đình tôi cùng rất nhiều hộ dân khác được nhận nền TĐC tại khu này từ năm 2005 đến nay. Theo cam kết ban đầu, trước khi thu hồi đất, khu TĐC dành cho người dân được đầu tư hoàn thiện với đường giao thông trải nhựa, hệ thống điện, nước đầy đủ. Nhưng hơn 10 năm qua, tất cả tuyến đường nội bộ ở khu TĐC này vẫn là đường đá xanh, cống thoát nước thải liên tục bị tắc nghẽn. Chúng tôi phải tự bỏ tiền để kéo điện về dùng. Mặc dù, chúng tôi phản ánh và chủ đầu tư cam kết rất nhiều lần nhưng đến nay, tình trạng "vũ như cẫn”.

Còn tại KDC nhà vườn cũng do Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư. Diện tích thu hồi lên đến hơn 71ha để xây dựng hệ thống nhà ở thương mại với 1.266 lô nhà liền kề, 539 biệt thự, 24 chung cư và 483 lô phục vụ TĐC của dự án. Dự án KDC nhà vườn nằm đối diện dự án Happyland.

Con đường vào dự án KDC này được đầu tư khá hoàn chỉnh với tuyến chính là đường đôi có dải phân cách, vỉa hè, cây xanh. Nhưng những gì hào nhoáng nhất của dự án đều nằm hết ở khu vực đất dành cho thương mại. Càng đi sâu vào bên trong để đến được khu TĐC phải qua những tuyến đường nhỏ hơn, xấu hơn, lau, sậy mọc um tùm,...Một số công trình phúc lợi xã hội có trong KDC được xây dựng nhưng đến nay chỉ làm được phần móng rồi bỏ hoang.

Gia đình ông Trần Văn Lóng, 63 tuổi, một trong những hộ được cấp nền TĐC. Tuy được cấp nền nhưng gia đình ông không thể vào được phần đất TĐC của mình để xây dựng nhà ở. Ông cho biết: “Nhà đầu tư cấp nền cho chúng tôi mà không có đường để đi. Con đường dẫn đến nền đất hiện nay là đường cụt. Phần đất của gia đình tôi bị ngăn cách bởi một cái ao. Tôi đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện con đường hoặc hoán đổi sang vị trí lô đất TĐC khác để gia đình tôi xây dựng nhà ở nhưng qua bao năm, chủ đầu tư vẫn cứ hứa rồi không thực hiện. Có nền TĐC mà gia đình tôi không thể cất nhà để ở được”.

Tương tự là tình trạng các khu TĐC ở huyện Cần Giuộc, ngoài dự án KDC - TĐC Long Hậu được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá hoàn thiện, người dân vào ở ổn định thì hầu hết khu TĐC khác vẫn hoang tàn. Khu TĐC Thành Hiếu, xã Long Hậu do Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Thành Hiếu làm chủ đầu tư, một trong những khu TĐC điển hình phản ánh năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Thanh Cang trực tiếp khảo sát một số khu TĐC

Phản ánh với chúng tôi, người dân trong khu TĐC này bức xúc. Bởi vì, sau nhiều năm người dân nhận nền, xây dựng nhà ở nhưng hạ tầng kỹ thuật còn rất hạn chế. Đường sá chưa được trải nhựa, xuống cấp, thường xuyên ngập nước. An ninh, trật tự khu vực này không bảo đảm, lau, sậy mọc kín khu TĐC. Trong khi đó, dù hứa rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không hoàn thiện được một tuyến đường nào trong khu TĐC đúng như cam kết trước đó.

Người dân chịu khổ

Tình trạng “thiếu đủ thứ” trong các khu TĐC hiện nay khiến cuộc sống của người dân ở TĐC chẳng những không được cải thiện mà còn khốn khổ hơn trước. Những khu TĐC dang dở, yếu kém gây nhiều bức xúc cho người dân.

Người dân vây kín đoàn giám sát để nêu bức xúc khi sống trong các khu tái định cư

Theo UBND xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, từ việc các khu TĐC tại xã không thực hiện như cam kết ban đầu, người dân gửi nhiều đơn khiếu nại đến chính quyền đề nghị giải quyết. Gửi đơn cá nhân không được, trong năm 2016, tập thể hộ dân trong khu TĐC giai đoạn 1 và KDC nhà vườn gửi đơn khiếu nại tại UBND xã kiến nghị, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An, yêu cầu công ty này phải đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong KDC, trước hết là đầu tư đèn chiếu sáng, phát quang cây cối, lau, sậy và thực hiện các cam kết ban đầu khi tiến hành đầu tư dự án.

Ngay sau đó, UBND xã Thạnh Đức mời các ngành liên quan, chủ đầu tư cùng các hộ dân đối thoại trực tiếp. Theo đó, Công ty Phú An cam kết đến hết ngày 31/12/2016 thực hiện, nhưng đến giờ, những cam kết đó vẫn nằm trên giấy khiến người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Trọng, ngụ ấp 5, bức xúc: “Công ty hứa nhiều lần rồi! Chúng tôi cũng thông cảm nhiều năm rồi! Cuộc sống chúng tôi quá vất vả, chúng tôi không muốn nghe thêm những lời hứa!”.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, ngụ ấp 2-5 xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, một trong những hộ dân nhận nền trong KDC - TĐC Thành Hiếu, cho biết: “Ngày trước, khi chưa có dự án xây dựng KDC, mặc dù, cuộc sống của gia đình còn khó khăn nhưng ít ra, chúng tôi vẫn còn có những con đường không lầy lội, sạch sẽ để đi. Ngỡ về khu TĐC cuộc sống sẽ khá hơn, thuận tiện hơn nhưng trái lại, khu vực này giờ đây, đường sá quanh năm ngập nước, lau, sậy mọc um tùm. Biết như thế này, ngày trước, tôi không về đây!”.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù, tuyến đường trong khu TĐC này khá rộng, được trải lớp đá xanh, có thêm hệ thống thoát nước. Nhưng tất cả hạ tầng kỹ thuật khu TĐC này vẫn còn dang dở do nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Thành Hiếu thiếu vốn dẫn đến công trình dở dang.

Do lâu ngày, tuyến đường không được tiếp tục xây dựng nên lau, sậy mọc um tùm đến giữa con đường, hệ thống thoát nước cũng tắc nghẽn khiến cả tuyến đường quanh năm ngập nước. Ngoài 26 hộ dân đã xây dựng nhà ở, còn 95 hộ khác dù nhận nền nhưng chẳng dám về xây dựng nhà vì về đây ở, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Ngay sau nhà 26 hộ dân trong khu TĐC Thành Hiếu là KDC thương mại Thái Sơn. Đối lập hoàn toàn với khu TĐC Thành Hiếu, các tuyến đường của KDC thương mại Thái Sơn được trải nhựa phẳng lì, vỉa hè, cây xanh, điện, đường hoàn chỉnh.

“Chỉ cách nhau bức vách mà KDC Thái Sơn lại như thế! Đã vậy, vào đây, hầu như các gia đình đều không còn đất sản xuất, cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng tiền phụ giúp của con cháu đi làm công nhân hàng ngày tại khu công nghiệp. Giá như khu TĐC được xây dựng hoàn thiện như KDC thương mại Thái Sơn thì chúng tôi bớt khổ rồi! Lau, sậy um tùm, an ninh, trật tự không bảo đảm nên khoảng 6 giờ tối, nhà nào cũng đóng chặt cửa, không dám ra ngoài” - bà Nhàn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, do chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên ở một số khu TĐC của huyện Cần Giuộc, trong mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra thường xuyên. Có những khu TĐC, người dân phải “cắn răng” đổi nước với giá đắt đỏ 100.000 đồng/m3. Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt cũng không được hoàn chỉnh, có nhiều hộ phải bỏ tiền tự kéo điện về hoặc kéo điện ké từ gia đình khác để sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Trần Văn Hoàng, diện tích đất tự nhiên của xã hơn 2.024ha nhưng đến nay quy hoạch đến 1.922ha, chiếm 95,12% tổng diện tích đất toàn xã. Trước những khó khăn của người dân đang sống trong các khu TĐC còn dang dở, ông đề nghị: “Khi chấp nhận cho chủ trương thỏa thuận địa điểm quy hoạch của các nhà đầu tư, UBND tỉnh cần xem xét năng lực tài chính, yêu cầu các chủ đầu tư phải có lộ trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện dự án phải triển khai thực hiện khu TĐC và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu TĐC trước khi giải tỏa, bố trí nền để người dân có được cuộc sống ổn định, an cư, lạc nghiệp”.

Trước thực trạng trên tại nhiều khu TĐC trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát để khảo sát thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương và làm việc với chủ đầu tư nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cho biết: “Sau đợt giám sát này, HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh thanh tra toàn diện một số dự án TĐC”./.

Kiên Định

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích