Khu tái định cư Phú An, xã Thạnh Đức "treo" quá lâu, ảnh hưởng cuộc sống người dân và gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương
Hành dân
Rảo quanh địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào đầu tháng 6/2017 để ghi nhận về tình hình bố trí nền TĐC, hầu hết các hộ dân khi tiếp xúc với chúng tôi đều thở dài và lắc đầu. Bởi, người dân chờ được bố trí nền TĐC thì “mỏi mòn” còn một số hộ được vào ở thì “tiến thoái lưỡng nan”, đi không được mà ở cũng không xong. Chúng tôi ghé khu TĐC tại ấp 2/5, xã Long Hậu, của Công ty Cổ phần TM&XD Thành Hiếu, hình ảnh đầu tiên là một bãi đất rộng mênh mông, cỏ, lau, sậy mọc um tùm, cảnh quang xung quanh nhìn rất nhếch nhác, xa xa có vài căn nhà,...
Theo một vài hộ dân chuyển vào ở trong khu này, hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, đường giao thông chỉ dừng ở mức rải đá xanh, hệ thống cấp nước, điện, cây xanh, xử lý nước thải, thông tin liên lạc,... chưa được đầu tư. Dù họ kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Cũng vì “ngâm” quá lâu nên một số hạng mục được đầu tư trước đây xuống cấp trầm trọng; mùa mưa, đường lầy lội, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu TĐC này.
Được biết, huyện Cần Giuộc hiện có 15 DA TĐC thì tại xã Long Hậu có đến 7 DA và hầu hết bị “treo”. Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Trần Văn Hoàng thông tin, việc bố trí nền TĐC trên địa bàn xã thời gian qua triển khai chậm, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc, phản ánh rất nhiều nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Riêng khu TĐC của Công ty Thành Hiếu, hiện có gần 20 hộ dân vào ở nhưng hạ tầng không bảo đảm, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông tạm bợ, lầy lội vào mùa mưa. Mùa nắng, trong khu tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì cỏ, lau, sậy mọc rất nhiều,...
“Chính quyền ghi nhận tất cả ý kiến, gửi kiến nghị lên cấp trên, cần có hướng giải quyết phù hợp trong thời gian sớm nhất để trả lời các hộ dân trong khu TĐC” - ông Hoàng nói.
Khu tái định cư Thành Hiếu tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc “ngâm” nhiều năm qua, gây bức xúc dư luận
"Việc đầu tư hạ tầng một số khu TĐC chưa hoàn thiện, nguyên nhân do các chủ đầu tư không thực hiện như cam kết. Sở có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, sở tiến hành kiểm tra toàn bộ hạ tầng tại các khu TĐC để phân loại theo nhóm, báo cáo UBND tỉnh có hướng giải quyết phù hợp." Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng |
Sổ đỏ... xa tay người dân
Không chỉ hạ tầng đầu tư ọp ẹp, thiếu trước, hụt sau mà việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũng rất ì ạch. Mặc dù ngành chức năng cấp sổ đỏ cho các chủ đầu tư DA để cấp lại cho các hộ dân khi được bố trí nền nhưng hầu hết các đơn vị lại đem thế chấp trong ngân hàng, sử dụng với mục đích riêng, gây bức xúc dư luận. Giống như khu TĐC Thành Hiếu, khu TĐC của Công ty Cổ phần ĐTXD&PTHT Phú An tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức “treo” nhiều năm và sổ đỏ được đơn vị này thế chấp ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi các hộ dân trong khu TĐC.
Ông Nguyễn Văn Trọng, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức bức xúc: “Gia đình tôi chuyển vào ở khu TĐC này từ năm 2011. Ngoài việc hạ tầng không bảo đảm như công ty cam kết, nước bị nhiễm phèn, không có công viên, cây xanh, đường giao thông xuống cấp, kể cả sổ đỏ cũng chưa được cấp. Điều này gây khó khăn lớn cho gia đình, vì nhiều lúc cần vay vốn làm ăn, gia đình không có sổ đỏ để thế chấp nên ngân hàng không cho vay”.
Hứa... rồi lại thất hứa
Theo ông Trọng, từ khi chuyển về ở trong khu TĐC, chủ đầu tư làm việc với người dân 4 lần, lần cuối cùng vào ngày 31/12/2016, hứa sẽ cấp sổ đỏ, hoàn thiện hạ tầng nhưng tất cả chỉ dừng ở lời hứa. Ông Trọng cũng đặt vấn đề, tại sao các cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc bảo vệ quyền lợi của người dân, hay chăng có sự bao che của các ngành liên quan để doanh nghiệp “ngâm” DA?
Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức - Nguyễn Ngọc Huân cho biết, khu TĐC Phú An tồn tại trên địa bàn khá lâu, người dân bức xúc, kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Đại diện chủ đầu tư có làm việc với người dân, hứa hoàn thiện hạ tầng, giao sổ đỏ nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân trong khu TĐC và gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh - Phan Nhân Duy xác nhận, thời gian qua, việc cấp sổ đỏ cho người dân tại các khu TĐC trên địa bàn còn chậm. Một số chủ đầu tư khi được cấp sổ đỏ lại đem thế chấp ngân hàng mà không cấp lại cho người dân. Sở nhiều lần làm việc, yêu cầu các đơn vị này giải chấp tại ngân hàng để cấp sổ đỏ cho người dân TĐC. Tại cuộc làm việc, các chủ đầu tư cam kết thực hiện sớm việc giải chấp. Phía ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện cam kết và kiến nghị lên UBND tỉnh có biện pháp xử lý phù hợp, nếu chủ đầu tư cố tình “treo” sổ đỏ của người dân.
Mặc dù thực trạng trên tại các khu TĐC trên địa bàn tồn tại nhiều năm qua nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa thay đổi, khiến cho cuộc sống của người dân trong khu TĐC bị ảnh hưởng lớn, đặt ra thách thức cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan cần vào cuộc để giải quyết những bất cập trên, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân cũng như giúp công tác quản lý của địa phương được thực hiện tốt hơn.
Toàn tỉnh hiện có 46 DA bố trí nền cho người dân TĐC với tổng diện tích 1.184,32ha, tập trung tại các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, Đức Hòa và TP.Tân An. Tính đến ngày 20/5/2017, tổng số nền bố trí TĐC là 19.132 nền (chưa tính số nền các DA chưa triển khai hoặc đang thực hiện việc kê biên, bồi thường), số nền bàn giao cho người dân 15.683 nền (chiếm 82% so với tổng số nền bố trí TĐC), đã tách thửa cấp giấy chứng nhận cho công ty 13.912 giấy (chiếm 88,7% so với nền giao cho người dân), cấp 11.433 giấy chứng nhận cho người dân (chiếm 72,9% so với nền giao cho người dân), số nền người dân xây dựng nhà ở là 2.744 nền./. |
Thanh Mỹ