Tiếng Việt | English

12/02/2016 - 14:51

Khi nghiên cứu khoa học hướng tới cộng đồng

Khi nói đến các công trình nghiên cứu khoa học, có người từng nghĩ rằng hẳn nó phải là những điều hết sức to tát, nhưng kỳ thực nhiều nghiên cứu rất đơn giản nhưng kết quả lại mang đến những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Đưa iot vào bột nêm

Trong một siêu thị, người phụ nữ đứng khá lâu trước quầy gia vị mặn, chị chọn mua nước mắm, muối và bột nêm. Chị cẩn thận xem xét từng loại, đọc kỹ thành phần rồi quyết định chọn hạt nêm có bổ sung iot.


Nhiều gia đình dùng bột nêm thay muối (Ảnh: Kiến thức)

Chị nói rằng, từ lâu gia đình thường dùng hạt nêm thay vì muối để nêm nếm thức ăn, nhưng rất nhiều loại hạt nêm trên thị trường không có iot, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi thấy loại hạt nêm có bổ sung iot thì chị đã không ngần ngại sử dụng.

Tuy nhiên, người phụ nữ này không biết rằng sản phẩm hạt nêm có bổ sung iot là kết quả được chuyển giao từ một đề tài nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM được đánh giá xuất sắc.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chia sẻ: “Ở phía bắc người dân dùng bột canh nhiều, ở phía nam thì dùng bột nêm nhiều để chế biến món ăn, trong khi tỉ lệ gia đình sử dụng muối chế biến món ăn hằng ngày theo nghiên cứu của trung tâm dinh dưỡng tuột xuống dưới 80%. Đó là lý do mà Trung tâm dinh dưỡng TPHCM tiến hành đề tài nghiên cứu để có thêm một giải pháp góp phần cải thiện tình trạn thiếu hụt iot ở trong cộng đồng”.

Như bác sĩ Ngọc Diệp vừa nói, những khảo sát của trung tâm dinh dưỡng cho thấy, tỉ lệ người sống ở thành thị bị thiếu hụt iot khá cao, khoảng 70%. Nếu như trước đây, bệnh bướu cổ chủ yếu phát triển ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, thì nay phát triển nhiều ở người dân thành thị.

Con số thống kê gần đây cho thấy, hiện chỉ khoảng 45% người dân sử dụng muối iốt đảm bảo đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của Tổ chức Y tế thế giới, gần 45% thai phụ ở ba khu vực là miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và TPHCM bị thiếu iốt từ trung bình đến nặng do chỉ dùng hạt nêm, muối thường.

Nhóm nghiên cứu cho biết, để có được công thức chuẩn bổ sung iot cho hạt nêm cũng khá khó khăn phải sử dụng nhiệt độ rất cao thì hạt nêm mới khô, trong khi đó iot chỉ chịu được nhiệt 100 độ C trở xuống. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu đã có được sản phẩm cụ thể trên thị trường, nhóm hy vọng số người dân được bổ sung iot sẽ gia tăng nhanh chóng, góp phần giảm tỉ lệ bệnh tật trong cộng đồng.

Bài tập chỉnh âm cho trẻ hở môi

Ở một lĩnh vực khác, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha cùng các cộng sự đã nghiên cứu và áp dụng hệ thống bài tập chỉnh âm kết hợp với giáo dục ngôn ngữ cho trẻ bị hở môi, hở vòm hầu cho khá nhiều trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và đã đạt được những hiệu quả tích cực.


Trẻ hở môi, sau khi vá khe hở, nếu được luyện tập đúng có thể nói rất tốt (Ảnh: Vnexpress)

Tật hở môi - hở vòm hầu là một dị tật bẩm sinh ở vùng hàm mặt rất thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ khá cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam cứ 500 trẻ em được sinh ra thì có 1 em bị dị tật này, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 3.000 trẻ sơ sinh bị dị tật này.

Tuy nhiên, hầu hết các em chỉ được phẫu thuật vá và hỗ trợ y khoa chứ không được chỉnh âm đúng phương pháp. Do vậy, điều này ảnh hưởng đến quá trình phục hồi giọng nói của trẻ khi lớn. Các bài chỉnh âm được thiết kế gắn với tình huống giao tiếp của trẻ, gắn với nhu cầu giao tiếp trẻ.

Có phụ huynh khi nghe được con mình nói chuyện tròn vành rõ chữ thì mừng đến rơi nước mắt. Bởi nếu con bị ngọng hoặc có chút khiếm khuyết về giọng nói thì dễ bị các bạn khác trêu chọc, lâu dần có thể sinh ra mặc cảm, khó tiếp xúc....

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình, PGS TS Nguyễn Thị Ly Kha cho hay: “Nhiều khi phụ huynh chủ quan, họ cứ tưởng là khi vá xong rồi cái khe hở được vá định hình lại thì con họ sẽ biết nói và nói bình thường nhưng thực tế không phải như vậy, nếu không được hỗ trợ kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nói của trẻ. Hệ thống bài tập này phối hợp giữa y khoa và giáo dục”.

Thời gian để trẻ phục hồi thường là từ 16 đến 18 tháng, nhưng thời gian lâu hay mau hơn còn tùy thuộc vào mức độ hàm hở nặng hay nhẹ, kết quả phẫu thuật của bác sĩ tốt hay không tốt và điều quan trọng nhất là sự kết hợp của phụ huynh và giáo viên.

Mắt thần cho người khiếm thị

Trong mùa xuân này, người vui nhất có lẽ là tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, cha đẻ của mắt thần dành cho người khiếm thị. Dù nghiên cứu này của anh đã được thực hiện khá lâu rồi và nó đã đến tay được với rất nhiều người khiếm thị thông qua các chương trình vận động từ thiện thông qua những tiểu thương, các doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ cho nghiên cứu của anh.


Tiến sĩ Hải trao mắt thần cho người khiếm thị (Ảnh: bizlive)

Nhưng điều khiến Hải bất ngờ nhất chính là sau 5 phút anh trình bày dự án của mình thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị anh phối hợp với các bộ ngành có liên quan thực hiện dự án 300.000 mắt thần để tặng cho người khiếm thị có hoàn cảnh nghèo khó. Mặc dù Tết là thời điểm mà mọi người được nghỉ ngơi nhưng tiến sĩ Nguyễn Bá Hải vẫn đang bận rộn với dự án của mình mục tiêu cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh xảo hơn

“Rất nhiều người khiếm thị Việt Nam đều phấn khởi khi chiếc kính có thể giúp họ hòa nhập cộng đồng. Chương trình còn giúp hoàn thiện những sản phẩm từ các góp ý cải tiến của người khiếm thị. Hy vọng là không chỉ người khiếm thị Việt Nam mà những người khiếm thị trên toàn thế giới cũng đều có điều kiện hưởng lợi từ công nghệ do người Việt Nam phát triển” – Tiến sĩ Bá Hải chia sẻ.

Ai đó từng nói, mục đích duy nhất của khoa học là giảm đi sự vất vả cho nhân loại. Ngẫm ra thấy điều ấy thật đúng đắn và ý nghĩa, nhất là với những công trình nghiên cứu dù rất giản đơn nhưng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng thì thật là đáng quý biết bao./.

Nguồn: Nhật Nam/VOH

Chia sẻ bài viết