Tiếng Việt | English

26/05/2021 - 09:23

“Người mẹ” thứ 2 của trẻ khuyết tật

“Các em đã thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ em bình thường, một khi chấp nhận theo nghề, giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải thương bằng tình thương của một người mẹ, dạy các em bằng cả tấm lòng” - đó là những trải lòng của cô Phan Thị Hồng Thủy - giáo viên dạy lớp, Tổ phó Tổ Chuyên môn Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

Trước đây, khi đang ôn thi đại học tại TP.HCM, trong lần dắt một người khiếm thị qua đường, tình cờ làm quen và đến thăm Trường Nguyễn Đình Chiểu, cảm thương hoàn cảnh của các em nhỏ nơi đây, cô Thủy quyết tâm trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật. Sau khi tốt nghiệp, năm 2008, cô về công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho đến nay.

Với cô Thủy, giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải thương bằng tình thương của một người mẹ, dạy các em bằng cả tấm lòng

“17 em lớp chậm phát triển của tôi có độ tuổi từ 11-16, được xây dựng 17 kế hoạch giáo dục cá nhân khác nhau. Dạy trẻ chậm phát triển, giáo viên không được nản lòng, tùy mỗi bé mà có cách “dỗ ngọt”, cương - nhu tùy lúc và quan trọng là không được nản lòng. Có em thường bắt nạt bạn, có em do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không quan tâm nên chưa ngoan,... do đó, tôi không chỉ dạy về văn hóa mà còn uốn nắn, định hình nhân cách, dù khả năng tiếp thu của các em có giới hạn. Đặc biệt, với những em ở độ tuổi dậy thì, nhất là trẻ em gái, tôi còn phải hướng dẫn cách tự bảo vệ bản thân,…” - cô Thủy chia sẻ.

Với “đàn con” này, cô Thủy phải rất vất vả để chăm sóc, dạy dỗ. Không chỉ dạy kiến thức, cô còn tập các em vận động, luyện kỹ năng giao tiếp, giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày. Một điều ấn tượng với chúng tôi là cô chăm các em như con ruột của mình qua từng hành động nhỏ. Trong túi xách của cô luôn có cây kim, cuộn chỉ, hễ áo em nào đứt nút, sứt chỉ, đã có “mẹ Thủy” khâu giúp.

Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Huỳnh Đăng Quang cho biết, cô Thủy luôn tận tuỵ, trách nhiệm với công việc. Cô còn tích cực nghiên cứu các sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Nhiều năm liền, cô được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, cô còn nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Ở một ngôi trường đặc biệt với những học sinh đặc biệt, cô Thủy phải đi - về hơn 100km ngày 2 bận giữa Cần Giuộc - Tân An vì còn con nhỏ. Ấy vậy mà cô vẫn không nản lòng dù tất bật như con thoi khi sáng gặp “đàn con” trên lớp, chiều về với các con của mình. Các em rồi sẽ lớn lên, có cuộc sống khác nhau, tuy nhiên, chắc chắn rằng sẽ không quên cô giáo Thủy - người mẹ hiền thứ 2 đã lo từng miếng ăn, giấc ngủ, dìu dắt các em từng bước trưởng thành./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết