Ân cần dạy từng nét vẽ
Cứ mỗi chiều, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Phúc An (quê ở tỉnh Tiền Giang) lại đông đúc các em thiếu nhi đến học vẽ. Ngôi nhà này, họa sĩ Phúc An thuê lại của một giáo viên về hưu ở ấp 6, xã Thạnh Đức để tiện việc đi - về sinh hoạt trong Chi hội Mỹ thuật TP.HCM.
Cũng trong ngôi nhà nhỏ hẹp với 4 bên toàn tranh, các em nhỏ say sưa từng nét vẽ dưới sự chỉ dạy của họa sĩ Phúc An.
Họa sĩ Phúc An tận tình dạy các em từng nét vẽ
Lớp học có gần 50 em, dù ngày mưa hay ngày nắng, số lượng này vẫn được duy trì. Tùy theo khả năng vẽ của mỗi em, họa sĩ Phúc An phân nhóm để dạy. Tại phòng khách, dựng một giá vẽ với hình mẫu vài con cá, họa sĩ Phúc An bắt đầu buổi dạy.
“Đây là nhóm mới học nên phải dạy những nét thẳng cơ bản. Nhìn tưởng khó nhưng khi hướng dẫn đó là các hình chữ X ghép lại, các em đều vẽ được” - họa sĩ Phúc An giải thích.
Cùng với nhóm vừa “tập tành” vẽ, ngoài hành lang, các em có “tay nghề” vững vàng hơn sau gần 1 năm theo học lớp dạy mỹ thuật miễn phí của họa sĩ Phúc An cũng được phân thành 2 nhóm. Bên trái là một nhóm khoảng 10 em đang cặm cụi vẽ chiếc thuyền và bên phải là những em say sưa với những đường nét vẽ cô gái.
Theo họa sĩ Phúc An, những bé này vẽ tương đối “cứng” hơn nên dần làm quen với những nét cong thay vì nét thẳng như lúc mới vào học.
Quan sát từng bức vẽ hoàn chỉnh, tuy không giống nhau vì có em vẽ sắc sảo, có em vẽ bình thường nhưng tất cả đều có một điểm giống. Đó là cách phối màu phù hợp.
Họa sĩ Phúc An nói rằng: “Phối màu rất quan trọng nhưng đi sâu vào bài bản thì rất khó. Vì vậy, các em được học cách phối màu căn bản như xanh - đỏ - vàng để nhìn vào bức vẽ thấy hài hòa hơn”.
Không những trau chuốt từng nét vẽ cho các em, họa sĩ Phúc An còn dạy các em những bài học đạo đức về cách cư xử, không nói tục, chửi thề,... Khi các em tỉ mỉ trong từng nét là các em đang tập cho mình tính không cẩu thả, cẩn thận trong cuộc sống.
Thắp lên niềm đam mê
Gần 50 em thiếu nhi tham gia lớp vẽ, tuy độ tuổi khác nhau (từ lớp 7 trở xuống) nhưng tất cả đều đam mê mỹ thuật. Chính sự đam mê của các em tạo niềm hứng thú để họa sĩ Phúc An dành thời gian, công sức duy trì lớp dạy vẽ miễn phí.
“Tôi cũng không nghĩ đến việc mở lớp dạy vẽ miễn phí như bây giờ. Nhưng cách đây hơn 1 năm, thấy con trai của tôi vẽ trên lớp khá đẹp, cô giáo hỏi và biết bé là con của họa sĩ. Mấy bạn nhỏ cùng lớp mẫu giáo với con nghe vậy, tìm đến nhà để học nên tôi dạy miễn phí vài em. Sau này, số lượng các em tìm đến ngày càng nhiều và tôi cũng nhận dạy thành một lớp. Thấy các em thích thú nên tôi dành thời gian dạy và truyền niềm đam mê hội họa đến các em” - họa sĩ Phúc An chia sẻ.
Đang cắm cúi tô màu cho bức vẽ hình cô gái, em Nguyễn Trần Nhã Trúc thể hiện sự tinh xảo trong từng đường nét. Tuy mới học lớp 5 nhưng Trúc là một trong những học sinh vẽ đẹp trong lớp của họa sĩ Phúc An.
Nhã Trúc chia sẻ: “Em tham gia lớp dạy vẽ miễn phí của thầy Phúc An từ lâu. Khi học, thầy dạy từng nét vẽ, cách phối màu. Càng vẽ, em càng thích nên chiều nào, em cũng nói mẹ đưa đến lớp của thầy để học”.
Họa sĩ Phúc An thắp lên niềm đam mê vẽ cho các em
Cũng có trường hợp, các em học môn Mỹ thuật ở trường yếu nên đến lớp để họa sĩ Phúc An dạy kèm. Sau thời gian theo học, các em tiến bộ và ngày càng yêu thích vẽ. Chính sự ân cần dạy bảo của họa sĩ thắp lên niềm đam mê trong các em. Lớp dạy vẽ miễn phí của họa sĩ Phúc An nhận được sự đồng tình của phụ huynh.
Chị Trần Thị Song, ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức cho biết: “Ở nông thôn, có một lớp dạy vẽ miễn phí cho thiếu nhi như thế là rất tốt! Vì vậy, mỗi buổi chiều, tôi đều sắp xếp công việc để đưa con đến học. Đặc biệt, trong những ngày hè này, lớp học trở thành sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi vùng nông thôn”.
Một lớp học đơn sơ, giản dị trong ngôi nhà nhỏ là nơi niềm đam mê với môn vẽ của các em thiếu nhi vùng nông thôn được chắp cánh. Mai này, khi lớn khôn, những ngày ở lớp vẽ miễn phí của họa sĩ Phúc An sẽ là một phần ký ức tuổi thơ ý nghĩa với những ước mơ, sáng tạo gửi vào từng bức vẽ./.
Thùy Hương