Tiếng Việt | English

20/12/2024 - 09:22

‘Sống lại’ nhờ Gia đình thứ 2

Quán cà phê Phong Linh (ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc., tỉnh Long An) là kế sinh nhai, đồng thời cũng là mái ấm của anh Phạm Quốc Thanh. Cha mẹ sinh ra lành lặn nhưng tai nạn lao động đã lấy mất của anh đôi tay. Nhờ ý chí, nỗ lực tự thân, cộng thêm sự động viên của gia đình mà anh vực dậy tinh thần và giúp được nhiều người đồng cảnh ngộ.

Nhờ mạng xã hội mà anh Phạm Quốc Thanh kết nối, giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ

Nhờ mạng xã hội mà anh Phạm Quốc Thanh kết nối, giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ

Anh Thanh kể: “7 năm trước, tôi đang làm nhà tiền chế, do không cẩn thận nên để sắt chạm đường dây điện, bị điện giật. Cơ thể tôi phỏng hết, nặng nhất là hai cánh tay. Dùng chút sức còn lại, tôi gọi người tạt nước để cứu mình”. Anh được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương bị hoại tử nên buộc phải cưa bỏ đôi tay. Khi vết thương dần lành lại, anh rơi vào trầm cảm nặng, suốt ngày chỉ ở trong nhà, không dám bước chân ra đường. Anh trầm ngâm nói: “Thà mình bị tật bẩm sinh còn đỡ, đằng này…”.

Nhờ mạng xã hội mà anh Phạm Quốc Thanh kết nối, giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ

Anh Phạm Quốc Thanh (ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) hiện tại có thể tự sinh hoạt

Sinh hoạt cá nhân từ ăn uống đến vệ sinh anh đều phải nhờ cha mẹ. Tự lo cho mình còn không được huống gì nghĩ đến chuyện vợ con, thế là anh lao vào game và quen người vợ hiện tại. Sau bao lần tâm sự, chia sẻ, họ cảm mến, thương rồi cưới nhau. Chị từ tỉnh Bắc Giang vào miền Nam cùng anh đắp xây hạnh phúc. Nhưng lúc này anh vẫn còn mặc cảm. Chị nói: “Em là con gái, em có người chồng như vậy, em không ngại thì thôi cớ sao anh lại ngại?”. Cảm động trước tấm chân tình của vợ, anh quyết tâm vực dậy tinh thần.

Đầu tiên, anh sáng chế những dụng cụ để giúp mình sinh hoạt, vệ sinh bình thường, không cần nhờ người khác. Anh lên mạng xã hội kết nối với những người cùng cảnh ngộ rồi đăng các video về cuộc sống đời thường của mình, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti. Những việc làm của anh nhận được hiệu ứng tích cực, nhiều người kết nối, đến tận nhà để học hỏi, chia sẻ. Họ lập nên nhóm Gia đình thứ 2 và bầu anh Thanh làm nhóm trưởng. Hiện nay, nhóm có khoảng 50 thành viên từ khắp mọi miền đất nước. Thỉnh thoảng, nhóm sẽ họp một lần (vì hạn chế kinh phí) để giao lưu văn nghệ, thể thao,... Khi biết có người vừa bị tai nạn, nhóm đến thăm, động viên, khích lệ, đồng thời hướng dẫn họ sáng tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó, nhiều người lạc quan hơn, có niềm tin vào cuộc sống, không còn bi lụy như lúc mới gặp tai nạn. Đáng mừng hơn, nhiều người trong họ đã có vợ. Các chị, bằng tình thương lớn đã hỗ trợ, động viên, chia sẻ và gắn kết trọn đời.

Anh Phạm Quốc Thanh tham gia giao lưu thể thao tại tỉnh Đồng Tháp

Anh Phạm Quốc Thanh tham gia giao lưu thể thao tại tỉnh Đồng Tháp

Sau 5 năm cưới, vợ chồng anh Thanh có 2 người con. Chị làm công nhân gần nhà, còn anh trông quán phụ mẹ, đưa đón các con đi học. Giờ đây, anh đã tự tin khi đối diện với mọi người nhờ tình thương trong Gia đình thứ 2./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết