Xây dựng gia đình ít con
Tại huyện Thạnh Hóa, việc xây dựng xã, thị trấn đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được quan tâm thực hiện. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố.
Ban DS và Phát triển các xã, thị trấn có 11/11 viên chức DS và 171 cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em (gọi tắt CTV DS) được phân bổ đều ở địa bàn các xã, thị trấn. Bình quân mỗi CTV DS quản lý khoảng 100-150 hộ gia đình. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động.
Hàng năm, CTV DS trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động sinh đủ 2 con và ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên đối với gia đình đã sinh đủ 2 con. Công tác truyền thông về công tác DS và phát triển được triển khai lồng ghép trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ); thông qua câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, nhóm nhỏ KHHGĐ tăng thu nhập, tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên và sinh đủ 2 con, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe phụ nữ,...
Từ đó, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, "có nếp, có tẻ" của người dân dần được loại bỏ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về SKSS-KHHGĐ.
Công tác truyền thông về công tác dân số và phát triển được các địa phương trên địa bàn huyện Thạnh Hóa lồng ghép trong các buổi họp nhóm
Trưởng phòng DS - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa) - Phùng Thị Kim Huệ cho biết: “Hiểu được KHHGĐ sẽ bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và giúp sinh con chủ động, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp. Qua đó, mỗi gia đình có cuộc sống ngày càng ổn định, hòa thuận và hạnh phúc”.
Tân Hiệp là một trong những xã điển hình duy trì nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên của huyện. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều tự nguyện thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nhằm bảo vệ sức khỏe người mẹ và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo các con học hành đến nơi, đến chốn.
Chị Lê Thị Thúy Hằng (ấp 3, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Sinh nhiều con không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn không đủ điều kiện để lo chu toàn cho các con. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định chọn lựa biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt và tập trung phát triển kinh tế. Hiện 2 con của tôi đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định”.
Gắn với nhiệm vụ chính trị
Tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, xây dựng xã không có người sinh con thứ 3 trở lên, đưa chính sách DS vào quy ước ấp được thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo trong thực hiện công tác DS và phát triển.
Hoạt động truyền thông được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các buổi họp nhóm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ của ngành, đoàn thể xã và thông qua đội ngũ CTV DS.
Qua tuyên truyền, vận động, chị Nguyễn Thị Trang (ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt
Viên chức DS xã Vĩnh Lợi - Võ Nguyên Khang thông tin: “Xã có 14 CTV DS, 708 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 460 cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Lực lượng CTV DS là cánh tay đắc lực không ngại khó khăn, "đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân thực hiện công tác SKSS-KHHGĐ cũng như các chính sách DS của tỉnh. Cùng với đó, các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, lây nhiễm qua đường tình dục; kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng được địa phương chú trọng thực hiện nhằm nâng cao chất lượng DS”.
Hiện nay, các biện pháp tránh thai hiện đại như vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc cấy, bao cao su và đình sản đều mang lại hiệu quả tránh thai cao. Việc sinh đẻ có kế hoạch giúp các gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, các con được chăm sóc, dạy bảo tốt. Vì vậy, mỗi gia đình chỉ nên sinh đủ 2 con và không nên sinh con thứ 3 trở lên để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương./.
Đến nay, công tác KHHGĐ huyện đạt 133,34% (5,217/3,913) chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, áp dụng dụng cụ tử cung: 1.095/800 ca, đạt 136,88% kế hoạch năm; thuốc cấy: 9/10 ca, đạt 90%; thuốc tiêm tránh thai: 170/200 ca, đạt 85%; bao cao su: 1.138/1.300 ca, đạt 87,54%; thuốc viên: 1.327/1.270 ca, đạt 104,49%. Về xây dựng xã đạt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con, toàn huyện đạt 58,5% so chỉ tiêu kế hoạch, đạt 100,89% (58,50%/57,98%).
|
Ngọc Mận