Tiếng Việt | English

08/11/2020 - 07:53

“Thách thức khổng lồ” chờ đợi ông Biden ở phía trước

Cựu Tổng thống Obama cảnh báo khả năng ông Biden sẽ "phải đối mặt với thách thức khổng lồ chưa từng thấy đối với một tổng thống sắp nhậm chức”.

Thách thức từ Covid-19 và sự bất bình đẳng

Trong thông cáo ngày 7/11, cựu tổng thống Barack Obama khi chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay bày tỏ cảm xúc “không thể tự hào hơn”.


Ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Ảnh: AP.

Theo ông Obama, dù cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chưa từng có vì đại dịch Covid-19 nhưng lại chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục. Ông đánh giá, bộ đôi Biden-Harris đã giành được chiến thắng lịch sử mang tính quyết định.

Mặc dù vậy, cựu Tổng thống Obama cũng không quên cảnh báo khả năng ông Biden sẽ "phải đối mặt với thách thức khổng lồ chưa từng thấy đối với một tổng thống sắp nhậm chức”. Cụ thể, những thách thức đó là đại dịch Covid-19, sự bất bình đẳng trong hệ thống kinh tế và nền tư pháp, môi trường bị đe dọa.

Trong thông cáo của mình, ông Obama nêu rõ: "Chúng ta thật may mắn khi Biden sở hữu những điều cần thiết để trở thành tổng thống và tự mình đạt được vị trí này theo cách đó. Tôi và Michelle sẽ ủng hộ Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân tiếp theo của chúng ta nhiều nhất có thể".

Thách thức từ việc chuyển giao quyền lực

Tuy nhiên, đó là những thách thức ông Biden phải đối mặt khi đã có thể chính thức bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2021. Thách thức trước mắt của ông Biden chính là việc nhóm chuyển giao quyền lực của ông sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đương kim Tổng thống Trump không chịu thừa nhận thất bại cũng như rắc rối xung quanh cuộc bầu cử năm nay.

Bình thường, quá trình chuyển giao quyền lực giữa các đời Tổng thống Mỹ đã luôn không phải việc đơn giản bởi một khối lượng công việc khổng lồ phải xử lý trong thời gian ngắn. Đội ngũ chuyển giao chỉ có hơn hai tháng để thiết lập bộ máy hành chính mới với hơn 4.000 vị trí được bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay bị chậm sẽ khiến đội ngũ của ông Biden có ít thời gian hơn để cân nhắc các vị trí trong nội các hay đặt ra các ưu tiên chính sách và xây dựng chương trình nghị sự.

Trong thời gian kiểm phiếu, khi chưa có kết quả cuối cùng, nhóm chuyển giao có thể xác minh hồ sơ FBI về các ứng viên tiềm năng của nội các, nhưng sẽ không thể thực hiện bước thứ hai của quy trình thẩm tra, đó là làm việc với Văn phòng Đạo đức Chính phủ (OGE). Thông thường, các nhóm chuyển giao trước đây cung cấp danh sách thẩm tra cho OGE vào khoảng thời gian đầu hoặc giữa tháng 12.

Như vậy, trước thực tế là kết quả bầu cử năm nay được công bố chậm sẽ cản trở nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden phối hợp với nhân viên liên bang để đưa ra các quyết định quan trọng và hành động nhanh chóng, cũng như việc thu thập thông tin về các vị trí bổ nhiệm tương lai.

Đó là còn chưa kể đến việc nỗ lực thách thức pháp lý của Tổng thống Trump nhằm phản đối kết quả và tạo ra rào cản cũng có thể gây khó khăn cho khả năng chuẩn bị chuyển giao của nhóm ông Biden.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi ông Joe Biden được xướng tên là người chiến thắng, ông Donald Trump đã tuyên bố cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc và sẽ kiện ra tòa.

"Tất cả chúng ta đều biết lý do Joe Biden vội vã giả bộ làm người chiến thắng, cũng như lý do các hãng truyền thông thân cận cố hết sức để giúp ông ấy. Đó là bởi họ không muốn sự thật được phơi bày. Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới chấm dứt", ông Trump nói.

Ông Trump nói thêm: "Bắt đầu từ ngày 9/11, chiến dịch của chúng tôi sẽ đưa sự việc ra tòa án để đảm bảo luật bầu cử hoàn toàn được tuân thủ và người chiến thắng hợp pháp được đưa vào vị trí".

Chiến dịch của đương kim Tổng thống Trump đã nộp các đơn kiện ở một số bang chiến trường trong tuần này, bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch và hợp pháp của quá trình kiểm phiếu, nhưng một số đơn đã bị bác bỏ. Trong khi đó, chiến dịch của Biden gọi các vụ kiện là "vô ích"./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết