Tiếng Việt | English

10/09/2017 - 19:23

“Tiết kiệm là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”

Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề luôn được đặt ra ở đất nước ta trong các thời kỳ lịch sử. Có một thời, cả dân tộc ta phải “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm, chống lãng phí để kháng chiến và xây dựng đất nước.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta càng phải đặt vấn đề tiết kiệm lên hàng đầu, bởi đó là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ nhưng để chủ trương này thực sự thấm đến từng cán bộ, người dân lại là cả một quá trình. Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả phải thể hiện qua từng việc làm, hành động cụ thể.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, chúng ta học tấm gương mẫu mực rất cụ thể về thực hành tiết kiệm. Cả cuộc đời Bác sống giản dị, tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân từ những việc nhỏ như sử dụng chiếc phong bì vài lần, đi đôi dép cao su đã mòn, mặc chiếc áo sờn cổ,... Bác kêu gọi mọi người tiết kiệm để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Tiết kiệm là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”. Bác luôn gương mẫu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Noi theo gương Bác, nhiều điển hình cá nhân và tập thể về tiết kiệm, chống lãng phí được nêu gương, nhân rộng.

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí hiện vẫn đang diễn ra qua những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt của mỗi cá nhân, gia đình đến công sở,... Đó là chưa nói đến những lãng phí lớn từ sự hoạch định kế hoạch, chính sách thiếu tính khả thi trong các dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng,... Không chỉ vậy, sự lãng phí và tâm lý tiêu xài “vung tay quá trán” đã nhiễm vào một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Vì vậy theo tôi, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần gắn với việc làm cụ thể hàng ngày như giữ gìn kỷ cương làm việc, giải quyết hiệu quả công việc, nhiệm vụ được giao; giữ gìn trang thiết bị phục vụ công việc của cơ quan; tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt hàng ngày ở cơ quan cũng như trong gia đình; đấu tranh, phê bình nghiêm túc với mọi biểu hiện sai trái và tiêu cực, lãng phí, tham ô, quan liêu, hạch sách, nhũng nhiễu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân;...

Có như thế thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới thực sự đi vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân./.

 Tạ Hiển

Chia sẻ bài viết