Ngày 16/12, Bộ Y tế đã có công văn số 9907/BYT-TB-CT gửi các sở y tế về việc thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm phát hiện nhanh các chất chỉ điểm một số loại ung thư.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, hiện Bộ chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm thanh thử để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư là Bioline AFP và SD Bioline CFA do Hàn Quốc sản xuất.
Bệnh nhân nếu quá tin vào kết quả của que thử ung thư có nguy cơ bỏ lỡ thời điểm vàng chữa bệnh, dẫn đến tiền mất tật mang. Tiêu chuẩn vàng được áp dụng trên toàn thế giới để phát hiện một người bị ung thư hay không, cần trải qua rất nhiều xét nghiệm từ thấp đến cao vì ung thư là một trong những loại bệnh rất phức tạp và cần phải được xét nghiệm kỹ mới có thể đưa ra những kết luận chính xác.
Được quảng cáo là phát hiện các loại ung thư với kết quả chính xác lên tới 99,5% đã khiến không ít người bỏ tiền mua sản phẩm que thử ung thư mà không biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Hàng “xách tay” giá 10.000 đồng
Trên các trang mạng, que thử ung thư được rao bán tràn lan, công khai với đủ mọi chủng loại, có xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… được rao bán với giá dao động 10.000 - 11.500 đồng/que và kèm theo lời quảng cáo là cho kết quả trong vòng 10 - 15 phút...
Theo một lời quảng cáo trên mạng, chúng tôi liên hệ với một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế có địa chỉ tại quận 10, TP HCM. Nhân viên của công ty cho biết, công ty chỉ bán buôn số lượng lớn chứ không bán lẻ sản phẩm. Khi chúng tôi nói sẽ lấy số lượng lớn thì nhân viên này mới vui vẻ tư vấn về sản phẩm. Nhân viên này giới thiệu các loại que thử chẩn đoán ung thư gan, tuyến tiền liệt và cổ tử cung, phổi... với độ chẩn đoán tin cậy lên tới 99,5%. Đặc biệt, sản phẩm này còn có khả năng chẩn đoán một số loại bệnh về dạ dày, gan mật, bệnh thận và các bệnh khác liên quan đến trao đổi chất.
Sản phẩm có mức an toàn tối đa, được nhiều nước trên thế giới kiểm nghiệm thành công, giá chỉ 12.000 đồng/que. Nếu lấy số lượng lớn sẽ giảm xuống còn 11.000 đồng/que và chỉ cần để lại địa chỉ sẽ có người giao hàng tận nơi.
Khi chúng tôi hỏi về xuất xứ của sản phẩm, nhân viên này khẳng định sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc, hiện Bộ Y tế mới chỉ cho phép nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc thì nhân viên này nói đây là hàng “xách tay” từ Mỹ.
Trong vai người đi mua que thử ung thư, chiều 16/12, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng thiết bị vật tư y tế nằm trên phố Phương Mai, Hà Nội - nơi có nhiều cửa hàng thuốc và trang thiết bị y tế, người bán hàng hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều loại que thử ung thư khác nhau, có giá từ 10 - 20 nghìn đồng.
Để tạo lòng tin với chúng tôi, nhân viên này khẳng định que thử có chất lượng rất tốt và được nhiều người tin dùng. Sau một lúc hỏi han, chúng tôi được người bán hàng bán cho một loại que thử ung thư gan của Mỹ và in cho chúng tôi một bản hướng dẫn sử dụng. Chúng tôi hỏi về đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm nhân viên này luôn khẳng định là hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng lại không đưa được ra thông tin lô hàng, tên đơn vị nhập khẩu. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại que thử của Hàn Quốc hiệu AFP nhân viên này cho biết loại này rất đắt và hiện cửa hàng không có, muốn mua hàng phải đặt trước.
Chưa cấp phép tại Việt Nam
Trước thông tin về việc trên thị trường bán que thử ung thư có thể cho kết quả ngay sau vài phút, các chuyên gia y tế đều khẳng định, chưa từng thấy báo cáo nào ghi nhận cách dùng que thử này trong chuyên môn tầm soát và điều trị ung thư.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định: “Đó là chuyện hoang đường, hiện chưa có bất cứ sản phẩm phát hiện ung thư bằng cách thử nhanh được cấp phép lưu hành”.
Theo Giáo sư Đức, để biết chính xác một người có mắc ung thư hay không, người đó cần đến bệnh viện kiểm tra theo phác đồ. Với phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X-quang, chụp nhiệt, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán tế bào học hoặc làm các xét nghiệm huyết học… Các công đoạn này là vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân hiểu rõ về giai đoạn bệnh của mình.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế khuyến cáo: “Để chẩn đoán ung thư người bệnh phải đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, huyết học, hình ảnh, tế bào học và mô bệnh học. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế thanh tra, kiểm tra các cơ sở đang kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các mặt hàng này trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền và cung cấp thông tin đến cộng đồng để người dân tránh hiểu không đúng về giá trị thực của các sản phẩm trên”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc thông tin que thử phát hiện ung thư chỉ là chuyện hoang đường. Sau khi Bộ Y tế có chỉ đạo, lực lượng thanh tra Sở Y tế sẽ vào cuộc kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, nhằm mục đích chấn chỉnh kinh doanh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng./.
Ánh Phương/Báo VOV