Tiếng Việt | English

19/06/2020 - 04:05

10 năm một “cuộc tình”

Thấm thoát đã 10 năm tôi gắn bó với nghề báo. “Cuộc tình” 10 năm ấy đủ đầy cung bậc buồn, vui, hờn giận,… nhưng đến bây giờ vẫn “thủy chung”. Mười năm không dài nhưng cũng chẳng hề ngắn; được, mất đan xen nhưng sau mỗi chuyến đi, sau mỗi trang báo là những câu chuyện để tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống và trưởng thành, chín chắn hơn từng ngày.

10 năm gắn bó với nghề với bao kỷ niệm buồn, vui

10 năm gắn bó với nghề với bao kỷ niệm buồn, vui

1. Mười năm trước, hành trang tôi vào nghề là những bỡ ngỡ đầu tiên. Sau những chuyến theo chân chị hướng dẫn đi cơ sở, tôi bắt đầu cảm nhận những thú vị trong nghề. Tình yêu cũng nhen nhóm từ đó. Chuyến đi đầu tiên, tôi và chị gặp một lão nông quanh năm chân lấm tay bùn, của cải không dư dả nhiều nhưng tấm lòng vì mọi người lại rất bao la. Dẫu biết với nhà nông, “tấc đất tấc vàng” nhưng ông vẫn sẵn lòng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn. Động lực để ông làm việc tốt đẹp cho đời đơn giản là: “Nhìn nông dân không phải chịu cảnh thương lái ép giá khi nông sản được vận chuyển thông thương, các cháu nhỏ đến trường không còn lấm lem mỗi mùa mưa đến,… thì một phần đóng góp của tôi có đáng là bao!”. Nghe ông nói, chúng tôi cảm động. Tối đến, trở về căn phòng trọ nhỏ, bên chiếc máy vi tính cũ kỹ, tôi loay hoay, “vật lộn” với câu, chữ để hoàn thành bài viết về tấm gương một lão nông hiến đất mở đường. Làm sao để câu chuyện được đăng báo lột tả một cách chân thật và cảm động về ông? Tôi trăn trở và cuối cùng cũng hoàn thành một gương người tốt - việc tốt, đưa đến bạn đọc. Tôi vui vì được gặp ông, biết thêm về một việc làm ý nghĩa và được dùng ngòi bút để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Cuộc tình” của tôi bắt đầu như thế và ngày càng sâu đậm sau mỗi chuyến đi, thậm chí là những lần về với người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới. Có đi, có trải nghiệm mới hiểu rằng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều mảnh đời còn bất hạnh. Chợt thấy mình may mắn hơn nên tự nhủ phải biết nâng niu, trân trọng những gì đang có. Phụ trách mảng văn hóa - xã hội, những tác phẩm báo chí của tôi ít “đấm đá”, phản biện hơn những phóng viên mảng pháp luật - bạn đọc, có chăng chỉ là phản ánh những “hạt sạn” trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa để địa phương, người dân chung tay thực hiện tốt hơn. Những bài tôi viết chủ yếu là câu chuyện nhẹ nhàng về những điều tử tế, nhân văn trong cuộc sống. Đó là một “bà đỡ” giúp nhiều công nhân an cư, lạc nghiệp nơi đất lạ. Không máu mủ ruột rà nhưng những công nhân ở trọ tại nhà bà luôn gần gũi, thương yêu nhau và xem bà như người chị, người mẹ. Công nhân nào không điều kiện cưới vợ, bà cho mượn tiền và đại diện sang nhà gái thưa chuyện. Nhà có một mảnh đất rộng, bà cho công nhân mượn xây nhà, khi nào có tiền thì trả hoặc trả dần tiền đất cho bà mà không hề tính lãi suất. Mọi người thuê trọ gọi “bà đỡ của công nhân” là vì thế. Đó còn là chị bán vé số, không giàu sang tiền của nhưng giàu lòng nhân ái. Đồng cảm với cảnh ngộ của một cụ già mù, chị nguyện chăm sóc như mẹ ruột. Tất cả được tôi “thai nghén” thành những “đứa con tinh thần”: Bà đỡ công nhân, Người dưng khác họ đem lòng mến nhau,… Hai tác phẩm này từng đoạt giải trong cuộc thi giải báo chí tỉnh. Nhận giải, tôi vui nhưng niềm vui hơn hết là bài báo được bạn đọc đón nhận, những điều thiện lành được lan tỏa, nhân lên trong cuộc sống qua công tác tuyên truyền trên báo chí. Với người làm báo, có lẽ niềm vui đó chưa bao giờ cũ.

10 năm dài “theo đuổi” và gắn bó với “cuộc tình” ấy, biết bao câu chuyện cảm động giúp tôi hiểu những giá trị trong cuộc sống. Một mảnh đời khó khăn được xây tặng nhà ở, những cách ứng xử tử tế với nhau trong xã hội, sự chung tay, góp sức của người dân cùng chính quyền dựng xây quê hương,… gieo vào tôi những niềm tin yêu. Tôi tin, cuộc sống dù có bon chen, áp lực thế nào thì những điều tốt đẹp vẫn “nở hoa”.

2. “Cuộc tình” trải qua 10 năm cũng giúp tôi thêm trưởng thành, chín chắn. Bao va vấp trong nghề đã trui rèn bản lĩnh, nghĩ suy, không còn hờn tủi, bốc đồng như những ngày bỡ ngỡ làm quen.

Sáng tháng hai của gần 7 năm trước, trời trong xanh, dịu mát. Tôi chậm rãi trên “con ngựa sắt” về một huyện miền hạ để gặp trưởng phòng y tế như đã hẹn. Lần này, tôi hẹn ông để thu thập thông tin, viết bài về chân dung người thầy thuốc nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Cuộc trao đổi, chuyện trò diễn ra trong vui vẻ, thân thiện. Những câu tôi phỏng vấn nghiêng về góc độ y đức, y thuật để hướng bài viết về câu chuyện một thầy thuốc hết lòng vì sức khỏe nhân dân. Câu chuyện đi hơn nửa chặng đường, nhân vật được phỏng vấn bỗng “bẻ lái” sang hướng khác, bảo tôi khai thác vấn đề ở góc độ người quản lý. Sau khi thương lượng bất thành, ông đưa tay xé tờ giấy trong quyển tập mà tôi đã ghi khá đầy đủ thông tin cung cấp trước đó. Tôi giận! Nhưng thay vì nóng tính như trước đây, tôi ôn tồn giải thích, thuyết phục. Ông vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình, thế nên tôi đành nói lời chào và xin lỗi vì không thể làm theo ý ông. Ra về, vừa buồn, vừa bực tức, tôi đành xoa dịu nỗi hậm hực của mình với suy nghĩ: “Mỗi người có một lý lẽ riêng, mình cũng có góc nhìn riêng. Thôi thì xem như không có “duyên” với nhân vật này vậy”.

10 năm dài “theo đuổi” và gắn bó với “cuộc tình” ấy, biết bao câu chuyện cảm động giúp tôi hiểu những giá trị trong cuộc sống”.

10 năm dài “theo đuổi” và gắn bó với “cuộc tình” ấy, biết bao câu chuyện cảm động giúp tôi hiểu những giá trị trong cuộc sống”. 

Rồi, có những lần, vượt cả trăm cây số, thậm chí đội nắng chang chang, mưa dầm thấm áo chỉ để “đi không, về không” vì nhân vật lỗi hẹn. TP.Tân An cách biên giới Tân Hưng gần 200km cả đi lẫn về. Để kịp giờ hẹn, tờ mờ sáng, tôi đã thức dậy chuẩn bị cho chuyến đi. Khi đến nơi, gặp nhân viên của một đơn vị nói rằng: “Anh A, anh B,… bận công tác đột xuất nên không có ở cơ quan”. Mỉm cười nói lời chào ra về nhưng trong lòng “dậy sóng”. Nghĩ lại quãng đường xa xôi mà bực tức. Nhưng thay vì trách móc người ta lỗi hẹn thì tôi chỉ âm thầm quay về và nhắn lại chị nhân viên: “Vậy lần sau em ghé qua cũng được”.

Không hiểu từ lúc nào, tôi trở nên điềm tĩnh hơn. Có lẽ, những chuyện “dở khóc, dở cười” như vậy đã rèn cho tôi sự bình tĩnh, kiên trì trong công việc và cuộc sống. Để rồi, những khó khăn, hờn tủi trong nghề vẫn không làm chùn bước khi đọc những dòng tin “bài viết của em đọc cảm động lắm!”, “nhờ bài viết của em, chiếc cầu bắc qua ngôi trường vùng sâu đã được xây dựng”,… Tất cả là niềm vui, động lực để bước tiếp!

Cảm ơn nghề đã mang đến cho tôi những niềm tin yêu trong cuộc sống, đã trui rèn tôi “lớn nổi thành người”. Và, “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” - đó là yêu thương với nghề, với những người từng gặp, sự đồng cảm với những câu chuyện từng nghe. “Cuộc tình” ấy vì thế dẫu còn lắm gian nan, vui, buồn nhưng sẽ mãi “yêu” và “chung thủy”./.

Thùy Vy

Chia sẻ bài viết