Tiếng Việt | English

15/10/2021 - 08:23

12 tác dụng chữa bệnh từ cây lựu

Cây lựu được trồng làm cảnh và ăn quả. Tuy nhiên, ít người biết rằng hoa, quả và vỏ lựu trong y học cổ truyền còn là một vị thuốc độc đáo.

Đặc điểm của cây lựu

Lựu còn gọi là tháp lựu, thạch lựu, an thạch lựu, đan nhược, kim bàng, kim tượng, tạ lựu..., là một loại cây nhỏ, cao chừng 2-3m, thân xám, có vỏ mỏng, cành mảnh, lá đơn mọc đối, hình thuôn dài, gân 5,6 đôi hình cung, mép nguyên cuống ngắn. Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc màu trắng (bạch lựu) mọc riêng lẻ hoặc từng xim 3 hoa ở kẽ lá, nở vào mùa hạ. Quả mọng, to bằng nắm tay, hình cầu, mang đài còn lại ở phía đỉnh, vỏ dày, ngoài da màu lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, phân cách nhau bởi một màng mỏng. Hạt rất nhiều, hình 5 cạnh, sắc hồng trắng.

Tác dụng dược lý của quả lựu

Vỏ quả lựu có chứa tanin 10,4 %, resin 4,5 %, calcium oxalate, inulin, isoquercetrin và nhiều chất dinh dưỡng khác; có tác dụng băng se và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, kháng khuẩn, kháng virus và tẩy giun sán.

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện ra quả lựu có chứa các hợp chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Thí nghiệm trên chuột cho thấy ở những con chuột được cấy tế bào ung thư, các khối u ở nhóm được uống nước ép lựu đã giảm bớt so với nhóm được cấy tế bào ung thư không sử dụng nước ép lựu.

Nước ép lựu còn có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim, do đó giúp ngăn ngừa cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Hoa, quả và vỏ lựu trong y học cổ truyền còn là một vị thuốc độc đáo

Công dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền

Hoa lựu: Trong Đông y có tên là thạch lựu. Hoa vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới (khí hư), viêm tai giữa, đau răng...

Quả lựu: Theo Đông y, có vị chua ngọt, tính ấm; vào 2 kinh vị và đại tràng; có tác dụng sinh tân chỉ khát (làm tăng thủy dịch trong cơ thể và giải khát). Nếu là loại lựu chua, còn có thêm tác dụng sáp trường (làm săn niêm mạc ruột), chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa hoạt tả (tiêu chảy), kiết lỵ lâu ngày, băng lậu, khí hư, đới hạ. Loại quả ngọt, ngoài tác dụng sinh tân chỉ khát và chữa kiết lỵ lâu ngày, còn có thêm tác dụng sát trùng, có thể dùng chữa đau bụng do một số loại ký sinh trùng gây nên.

Vỏ quả lựu: Trong Đông y có tên là thạch lựu bì, thạch lựu xác, toan thạch lựu bì.

Thạch lựu bì có vị chua chát, tính ấm; vào 2 kinh đại tràng và thận. Công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu), khu trùng (trừ giun sán), chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như cửu tả cửu lỵ (lỏng lỵ mạn tính), thoát giang (lòi dom), đới hạ (khí hư), trùng tích phúc thống (đau bụng do giun sán)...

Nhìn chung, các bộ phận của cây lựu, quả, vỏ quả, vỏ rễ, hoa và lá đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng thông dụng nhất là quả và vỏ quả. Tuy nhiên dược liệu lưu ý không dùng cho người bị táo bón.

Vỏ lựu cho vị thuốc thạch lựu bì

Bài thuốc trị bệnh từ quả lựu

1.Chữa miệng hôi, viêm amiđan: Quả lựu sắc lấy nước đặc, ngậm và nuốt từ từ, nhiều lần trong ngày.

2.Chữa bỏng nhẹ: Thạch lựu hoa hoặc thạch lựu bì, lượng vừa đủ, sấy khô tán bột, trộn với dầu vừng bôi vào nơi tổn thương.

3.Chữa kiết lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu: Quả lựu tươi 1-2 quả, để cả vỏ, đập nhỏ, sắc nước uống nhiều lần, uống trong ngày.

Hoặc dùng bài: Quả lựu nướng khô, nghiền bột mịn, bảo quản nơi khô ráo; ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g, chiêu thuốc bằng nước cơm hoặc cháo loãng.

4.Chữa chảy máu cam: Thạch lựu hoa 8g sắc nước uống. Có thể dùng thạch lựu hoa dưới dạng tán bột mịn, 1 lượng nhỏ thổi vào lỗ mũi.

5. Hỗ trợ chức năng tiêu hóa, trị tiêu chảy: Quả lựu tươi 2 trái, bóc bỏ vỏ sắc với 500ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 150ml, thêm mật ong vừa đủ. Chia ra 2-3 lần uống trong ngày.

6.Chữa tiểu són, tiểu rắt, tiểu không tự chủ: Quả lựu sao tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất), tán bột; ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 6g, hòa với nước ấm.

7.Chữa loét miệng, nhiệt miệng: Quả lựu sao tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất), tán thành bột mịn, bôi vào nơi tổn thương.

8.Chữa thoát giang (sa trực tràng): Thạch lựu bì, thiên căn, mỗi vị 10g, sắc uống trong ngày.

Thuốc dùng ngoài: Thạch lựu hoa hoặc thạch lựu bì 30g, phèn chua một chút, sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ bội tử sao, ngâm hậu môn hàng ngày.

9. Trị tiêu chảy: Thạch lựu bì 5g, sơn tra 10g. 2 vị nghiền bột mịn, chia thành 2 phần uống với nước ấm. Có thể thêm đường cho dễ uống.

10. Hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận: Rễ lựu 30g, kim tiền thảo 30g, sắc nước uống trong ngày.

11.Trị viêm nhiễm ngoài da lở loét chảy mủ: Lá lựu, sấy khô, nghiền thành bột mịn, rắc vào nơi tổn thương.

12.Chữa phế ung (áp-xe phổi): Thạch lựu hoa 6g, ngưu tất 6g, nhẫn đông đằng 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g, sắc nước uống./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết