Tiếng Việt | English

10/11/2024 - 11:07

4 điều các chuyên gia khuyên làm khi khó ngủ

Mất ngủ, ngủ ít, khó ngủ… là những dấu hiệu rối loạn có hại sức khỏe. Dưới đây là 4 mẹo mà các chuyên gia y tế đề ra, được chính họ thực hiện mỗi khi có vấn đề trong việc duy trì giấc ngủ chất lượng.

Nghe một chương trình thú vị

Theo tiến sĩ Jade Wu, chuyên gia y học về giấc ngủ hành vi (Mỹ), khi trằn trọc, bà thường nghe sách nói. Bà đã học cách coi thời gian khó ngủ là khoảng thời gian riêng tư để tận hưởng điều gì đó mà không phải lúc nào bà cũng có đủ thời gian để làm.

Bà Wu cho biết đã giới thiệu mẹo này cho nhiều người, “phần lớn bệnh nhân và những người mà tôi giới thiệu đều thích và thấy mẹo này hữu ích. Ít nhất là nó giúp họ giảm bớt lo lắng hay nỗi thất vọng vì chứng mất ngủ".

Nghe một chương trình yêu thích, nhẹ nhàng là mẹo mà chuyên gia đề xuất khi trằn trọc (ẢNH: PEXELS)

Bà Wu lưu ý: Tốt nhất nên tránh lựa chọn các nội dung quá kích thích. Bởi khi đó, ta thường có xu hướng tiếp tục nghe để tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và mục đích chìm vào giấc ngủ cuối cùng không thể đạt được.

Ngừng ‘ám chỉ’ đến chứng rối loạn giấc ngủ

Thay đổi suy nghĩ về giấc ngủ có thể tạo ra sự khác biệt lớn, điều này đã được bác sĩ thần kinh - bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ W. Christopher Winter tại Charlottesville Neurology and Sleep Medicine (Mỹ), chia sẻ với Health.

“Tôi không nghĩ rằng mình ‘không thể ngủ’, mà chỉ đơn giản là ngay thời điểm đó tôi tạm thời không ngủ được. Tôi học được cách tận hưởng cảm giác thức dậy trên giường và không hề căng thẳng khi mình khó chìm vào giấc. Bí quyết để vượt qua chứng mất ngủ là tìm thấy niềm vui khi được nằm trên giường trong trạng thái tỉnh táo”.

Bác sĩ Winter nói tiếp, việc ám chỉ đến một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nào đó trong đầu cũng khiến bạn khó ngủ hơn: “Tôi đã từng có những bệnh nhân mô tả việc trằn trọc vào ban đêm bằng những từ ngữ tồi tệ và ảm đạm nhất. Nếu bạn có thể học cách vui vẻ khi nằm trên giường giống như khi bạn ngủ, chứng mất ngủ sẽ không còn ám ảnh bạn nữa”.

Đi đến một nơi khác trong nhà

Bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ Eunice Torres Rivera làm việc tại Northwestern Medicine (Mỹ), nói rằng bà thường ra khỏi giường và đi đến một khu vực khác trong nhà khi không ngủ được. Đó phải là một nơi thoải mái, có ánh sáng mờ hoặc tối để giúp bà lấy lại tinh thần.

Sau đó, bà sẽ làm một việc thư giãn như hít thở chậm hoặc ngồi thiền.

Bác sĩ Torres Rivera cho biết mọi người cũng có thể xem ti vi, tuy nhiên nên đặt màn hình ở chế độ ban đêm hoặc sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh. “Về cơ bản, vấn đề ở đây là hãy làm điều gì đó mà bạn thấy thoải mái hoặc thư giãn. Đừng nhìn đồng hồ hay quá quan tâm, lo lắng về vấn đề thời gian”, bà Torres Rivera nói.

Tiêu thụ nhiều caffeine vào ban ngày rất có thể là nguyên do gây mất ngủ (ẢNH: NHƯ QUYÊN)

"Nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là tạm thời"

Tiến sĩ Andrea Spaeth, nhà nghiên cứu về y học giấc ngủ tại Trường ĐH Nghệ thuật và khoa học Rutgers-New Brunswick (Mỹ), chia sẻ rằng việc cố gắng tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ là rất hữu ích, ví dụ như caffeine hoặc sự căng thẳng. Tuy nhiên, cần ghi nhớ là giấc ngủ sẽ thay đổi theo tuổi tác.

“Nhu cầu và thói quen ngủ thay đổi khi chúng ta già đi, điều đó không sao, miễn là nó không làm suy yếu các hoạt động ban ngày. Việc căng thẳng khi ngủ không đủ giấc sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”, bà cho biết.

“Phân tích và suy nghĩ quá mức về sức khỏe của chúng ta cũng có thể mang lại những kết quả tiêu cực nhất định. Nếu bạn có một đêm tồi tệ, hãy cố gắng tìm ra lý do. Rất có thể, bạn sẽ ngủ ngon vào đêm hôm sau”, tiến sĩ Spaeth nói thêm./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/4-dieu-cac-chuyen-gia-khuyen-lam-khi-kho-ngu-185241107212538833.htm

Chia sẻ bài viết