Tiếng Việt | English

20/12/2016 - 11:42

5 năm thực hiện "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp"

Qua triển khai Quyết định số 258/QĐ-TTg, ngày 11/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP)", làm chuyển biến về nhận thức của cá nhân, tổ chức, nhất là cán bộ, công chức làm công tác pháp luật trên địa bàn tỉnh Long An.

Những kết quả đã đạt

Trước năm 2010, thực hiện quy định tại Pháp lệnh GĐTP, Long An chỉ có 2 tổ chức GĐTP là Phòng Giám định pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh. Bên cạnh đó, một vài ngành có lĩnh vực cần GĐTP gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi Pháp lệnh GĐTP có hiệu lực (năm 2004), UBND tỉnh rà soát lại số lượng giám định viên tư pháp (GĐVTP) để phân công nhiệm vụ mới, miễn nhiệm số GĐVTP không đủ tiêu chuẩn.


Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên tặng bằng khen cho cá nhân đạt thành tích trong cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2015

Năm 2012, khi Luật GĐTP được ban hành, UBND tỉnh triển khai các văn bản pháp luật về GĐTP, qua đó, làm chuyển biến về nhận thức của cá nhân, tổ chức, nhất là cán bộ, công chức làm công tác pháp luật. Song song đó, bộ máy, cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ cán bộ của các tổ chức GĐTP được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và Công an tỉnh cùng tham gia ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động giám định pháp y.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức GĐTP về pháp y gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh. Ngoài ra, trong lĩnh vực đặc thù tại các ngành đều có GĐVTP gồm: Y tế, tài chính, xây dựng, giao thông - vận tải, văn hóa - thể thao và du lịch, thông tin - truyền thông, khoa học - công nghệ.

Từ năm 2010 đến 2015, các tổ chức GĐTP giám định tổng cộng 13.463 vụ việc. Các kết luận giám định được sử dụng làm cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng đúng theo quy định của pháp luật. Sở Tư pháp đánh giá, hầu hết các kết luận giám định được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận làm căn cứ để giải quyết các vụ việc.

Hiện nay, tỉnh có 80 GĐVTP, trong đó, lĩnh vực pháp y có 41 người, kỹ thuật hình sự 11 người, văn hóa 3 người, tài nguyên và môi trường 3 người, xây dựng 2 người, kế toán - tài chính 3 người, thông tin - truyền thông 6 người, giao thông - vận tải 7 người, khoa học - công nghệ 4 người.

Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp

Theo Sở Y tế, thời gian tới, Trung tâm Pháp y được trang bị thêm xe mổ tử thi và nhiều thiết bị kỹ thuật cao khác. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh cũng được trang bị xe ôtô, máy giám định tài liệu, hệ thống giám định tài liệu, tủ phát hiện dấu vết đường vân,... Tại các sở, ngành, các lĩnh vực có GĐTP như: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông - Vận tải được trang bị thiết bị máy đọc đĩa đa năng, kính đo vết nứt bêtông,...

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiến hành rà soát, khuyến khích các GĐVTP có đủ điều kiện thành lập văn phòng trong một số lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng,...theo Luật GĐTP. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có văn phòng GĐTP tư nhân.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Nguyễn Văn Lâm cho biết: "Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP với mục tiêu, những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm, tuy nhiên, giá cả trong lĩnh vực GĐTP do Bộ Tư pháp ấn định còn thấp so với thị trường nên vẫn chưa thu hút tư nhân tham gia trong lĩnh vực này".

Theo Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Long An - Trần Văn Năm, sắp tới, do điều kiện KT-XH phát triển trên các lĩnh vực: Công thương, an toàn thực phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu, văn hóa, khảo cổ và đặc biệt lĩnh vực ma túy sẽ cần nhiều loại hình tổ chức GĐTP, vì vậy, rất cần xã hội hóa trong các lĩnh vực này.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Nguyễn Minh Thắng kiến nghị: Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nên tổ chức định kỳ các lớp tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về công tác GĐTP cho GĐVTP theo từng lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu GĐTP trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ Tư pháp nên kịp thời ban hành quy trình, quy chuẩn chuyên môn và các văn bản hướng dẫn về hoạt động GĐTP theo thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GĐTP./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết