Tiếng Việt | English

08/10/2020 - 10:24

70 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Romania, viễn cảnh mới

Đại sứ Đặng Trần Phong nhấn mạnh, trải qua lịch sử 70 năm, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Romania và Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng và không ngừng phát triển mạnh mẽ.


Đại sứ Việt Nam Đặng Trần Phong phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 6/10/2020, tại thủ đô Bucharest, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đông Dương tổ chức hội thảo với chủ đề “70 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Romania, viễn cảnh mới.”

Đây là một trong những hoạt động của chương trình kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, đồng thời triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế trong năm 2020, trong điều kiện tuân thủ các quy định của chính quyền Romania về phòng chống dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Đại biểu tham dự về phía Romania, gồm có thứ trưởng các Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Môi trường kinh doanh, Giao thông Vận tải, Bộ Lao động và An sinh xã hội, Giáo dục Đào tạo và Khoa học, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, gần 70 học giả... cùng các doanh nghiệp Romaniaa đã và đang quan tâm tới hợp tác kinh doanh với Việt Nam.

Các tham luận tại hai phiên thảo luận của Hội thảo tập trung đánh giá quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Romania, về triển vọng hợp tác mới, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực và Hợp tác lao động Việt Nam sau khi ký MOU 2018 và trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tại Romaniaa và Việt Nam.

Những thuận lợi và khó khăn cũng như các biện pháp tháo gỡ đã được trao đổi nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư, cung ứng lao động, hợp tác nông nghiệp, dịch vụ giữa hai nước trong tương lai.

Trong tham luận tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Đặng Trần Phong nhấn mạnh, trải qua lịch sử 70 năm, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Romania và Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng và không ngừng phát triển mạnh mẽ.

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Hợp tác song phương được mở rộng và đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực đối thoại chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng, thương mại, nông nghiệp và công nghiệp, lao động và du lịch, giáo dục và đào tạo, cùng với yếu tố quan trọng nhất là mối quan hệ giữa nhân dân và các địa phương của hai nước ngày càng được tăng cường.

Những bước phát triển mới của quan hệ hai nước đã được ghi nhận trong thời gian qua, thể hiện rõ qua chuyến thăm chính thức Việt Nam của nguyên Thủ tướng Romania Dacian Jullien Ciolos (7/2016), chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (4/2019), một số chuyến thăm cấp cao đã diễn ra trong năm 2018 và 2019, cũng như cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Romania về hợp tác kinh tế được tổ chức tại Bucharest vào năm 2019.

Điểm đáng chú ý, một số Biên bản ghi nhớ hoặc Chương trình về lao động, văn hóa, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác VCCI-RCCI... đã được ký kết giữa các bộ, ngành hai nước.

Thông qua đó, kim ngạch thương mại hai chiều, cung ứng lao động, khách du lịch và số lượng trao đổi sinh viên đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019.

Năm 2019, nhờ sự ủng hộ tích cực và hiệu quả của Romani trong nhiệm kỳ thành công trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã được phê chuẩn và sớm có hiệu lực, mang đến cơ hội mới và lợi ích cho cả hai bên.

Vì vậy, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania đang bổ sung thêm những yếu tố căn bản cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, góp phần quan trọng vào hợp tác ASEAN-EU.

Trên nền tảng mối quan hệ lịch sử và sự tin cậy lẫn nhau giữa Romania và Việt Nam, việc tăng cường đối thoại chính trị-ngoại giao năng động và hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tin học, môi trường, lao động, văn hóa và du lịch sẽ ngày càng phát triển lên tầm cao mới trong tương lai./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết