Tiếng Việt | English

26/11/2021 - 14:20

Ai có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đột phá và trở nặng sau tiêm 2 mũi vaccine COVID-19?

Một phân tích của Tạp chí Wall Street cho thấy, trong số những người được tiêm chủng đầy đủ, người cao tuổi và người có bệnh lý nền là các đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện do nhiễm COVID-19 đột phá.

Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận và người có hệ thống miễn dịch suy giảm có nguy cơ cao nhiễm đột phá và trở nặng.

Nhìn chung, trong năm nay, tại Mỹ đã có khoảng 1,89 triệu ca nhiễm đột phá, 72.000 ca nhập viện và 20.000 ca tử vong. Trong đó, những người chưa được tiêm chủng chiếm hầu hết các trường hợp nhập viện do COVID-19.

Giới chức y tế lưu ý, ngày càng có nhiều người được tiêm chủng đầy đủ nhưng chưa được tiêm mũi tăng cường phải nhập viện do nhiễm COVID-19 đột phá.

Do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) không công bố số liệu thống kê về các ca nhiễm đột phá, Tạp chí Wall Street đã dựa vào dữ liệu y tế của 21 triệu người được tiêm chủng đầy đủ và các báo cáo của nhà nước cũng như các dữ liệu tư nhân để đưa ra kết luận trên.

Ví dụ, những người được tiêm phòng đầy đủ mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính và thận mạn tính có nguy cơ nhập viện do COVID-19 cao gấp đôi so với những người không mắc các bệnh lý này, theo dữ liệu của công ty Truveta Inc. tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của 1,7 triệu người đã tiêm chủng đầy đủ.

Không phải tất cả các trường hợp nhiễm trùng đột phá đều dẫn đến nhập viện, nhưng một số yếu tố như bệnh nền khiến khả năng này xảy ra cao hơn. Được biết, số người tiêm chủng đầy đủ không có bệnh nền chỉ chiếm 7,5% các trường hợp đột phá dẫn đến nhập viện.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do tuổi tác làm hệ thống miễn dịch suy yếu. Dữ liệu từ Epic Health Research Network cho thấy, khoảng 80% ca tử vong trong các trường hợp nhiễm đột phá là ở những người từ 65 tuổi trở lên./.

VOV.VN(Theo WebMD)

Chia sẻ bài viết