Tiếng Việt | English

26/01/2025 - 14:00

Ấm áp Tết đoàn viên

Xuân về mang theo hơi ấm của tình thân, các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm ngày tết, sẻ chia những câu chuyện, những niềm vui. Đó chính là khoảnh khắc đẹp nhất của những ngày đầu năm mới.

Có dịp đến thăm gia đình bà Châu Thị Bé (ấp Bình Thạnh 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành), chúng tôi cũng được lan tỏa sự đầm ấm. 

Bé cho biết: “Gia đình tôi có 6 người con (3 trai, 3 gái). Vì muốn các con có không gian thoải mái nên sau khi lập gia đình, tôi cho các con ra sống riêng. Hiện tôi có 6 đứa cháu nội, 6 đứa cháu ngoại (chỉ mới có 4 đứa con lập gia đình) và 5 đứa cháu cố. Bất cứ đi đâu, làm gì thì mấy ngày tết, con, cháu đều về sum họp đầy đủ, đông vui lắm!”.

Anh Huỳnh Công Hậu (cháu nội của bà Bé) phấn khởi nói: “Mỗi năm tết đến, gác lại hết những công việc, trở về ngôi nhà chung, được gặp những người thân yêu, nhìn thấy mọi người vui vẻ, mạnh khỏe sum vầy bên nhau là chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Đối với anh Hậu, khoảnh khắc được đón tết cùng người thân rất thiêng liêng, đầm ấm.

Gia đình bà Châu Thị Bé (ấp Bình Thạnh 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) tổ chức gói bánh tét để con cháu biết và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Những ngày cuối năm, nhà bà Bé đã ngập tràn không khí tết. Cả gia đình cùng nhau tất bật chuẩn bị, từ chăm sóc vườn kiểng đến trang hoàng nhà cửa. Những phong tục truyền thống như tảo mộ, gói bánh tét không chỉ là những hoạt động đơn thuần mà còn là dịp để gia đình bà gắn kết và dạy con cháu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bà Võ Thị Thủy (con dâu thứ ba của bà Bé) chia sẻ: “Thích nhất là cùng cả nhà gói bánh tét, quây quần, cười nói rôm rả với nhau. Mỗi năm chỉ có một dịp như thế này nên tôi trân trọng lắm!”.

Với gia đình ông Lê Văn Bên và bà Phạm Thị Phần (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), vào ngày tết, cả nhà sẽ cùng nhau chụp những bức ảnh đẹp và đầy đủ các thành viên. Nếp nhà này đã được gia đình ông duy trì nhiều năm nay.

“Mỗi năm trôi qua, bức ảnh gia đình lại thêm nhiều gương mặt mới như con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, cháu cố,... vui lắm! Bức ảnh sẽ được gia đình tôi in ra và treo ở phòng khách. Việc này giúp các con, các cháu hiểu và giữ gìn giá trị văn hóa của gia đình” - ông Bên vui vẻ nói.

Con trai út của ông Bên, anh Lê Văn Phụng chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, tôi và vợ lên tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Làm việc xa nhà nên ít khi có cơ hội được tụ họp các anh em, con cháu trong gia đình, đến cha mẹ cũng lâu lâu mới có dịp về thăm một lần, hầu như chỉ gọi qua video. Vì vậy, tôi luôn trân trọng những dịp tết. Được trở về nhà, được thưởng thức những món ăn do mẹ nấu, được quây quần bên gia đình, những khoảnh khắc ấy thật sự quý giá và ý nghĩa”.

Gia đình ông Lê Văn Bên và bà Phạm Thị Phần (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) sum họp ngày tết

Gặp nhau trong ngày tết, trước tiên, mỗi người thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ những ngày tết, mâm ngũ quả được sửa soạn đẹp mắt, bánh trái được bày biện một cách cẩn thận bởi ai cũng tin rằng, tổ tiên đang hiện diện về ăn tết cùng gia đình.

Tết dù được chuẩn bị cầu kỳ hay đơn giản nhưng trọn vẹn nhất vẫn là cả gia đình sum vầy bên nhau, ôn lại những câu chuyện cũ và tạo ra những kỷ niệm mới đáng nhớ. Tết cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.

Thu Thảo

Chia sẻ bài viết