Tiếng Việt | English

22/01/2025 - 10:17

Vị Tết Cổ truyền trong ký ức người Việt

Với thế hệ 8X, 9X, tết là đêm giao thừa ấm áp bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng, bánh tét, chờ tiếng pháo nổ đì đùng; là sáng mùng 1 xúng xính quần áo mới, nhận những phong bao lì xì, hít hà hương vị đất trời vào xuân,... Và mỗi lần tết đến, những ký ức tết xưa lại ùa về...

Tết đến là khoảng thời gian cả gia đình anh Võ Khắc Hoàng Danh (34 tuổi, ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) náo nức, rộn ràng gói bánh. Từ sớm tinh mơ, mọi người trong gia đình đã thức dậy, người dọn dẹp nhà cửa, người tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh.

“Bí quyết để bánh chưng ngon là lựa ra những miếng thịt ba chỉ có phần nạc và mỡ bằng nhau. Khâu chọn thịt thường được giao cho thím út tôi. Các chú thì loay hoay nhóm bếp, các cô vo gạo nếp, đậu xanh. Tôi cùng đám em được giao nhiệm vụ rửa lá dong, lau lá chuối. Khi mọi thứ sẵn sàng, cả nhà quây quần bên nhau gói bánh. Bà nội tôi tuổi đã cao nhưng vẫn thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng xanh mướt” - anh Danh kể về ngày tết của gia đình.

Vào mỗi dịp tết, gia đình anh Võ Khắc Hoàng Danh (phường 1, TP.Tân An) thường quây quần vui xuân ấm áp

Vào đêm giao thừa, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là đại gia đình 5 thế hệ cùng quây quần thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi chuẩn vị miền Trung. Cả năm ngược xuôi, tết đến, anh và những người thân trong gia đình gác lại bộn bề và đón năm mới theo cách truyền thống.

“Điều khiến tôi háo hức nhất chính là khoảnh khắc đại gia đình 5 thế hệ sum vầy, nội tôi đã ngoài 90 vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Những ngày này, không khí xuân tràn ngập khắp nơi, từ cành mai vàng rực rỡ khoe sắc trước sân nhà đến những câu chúc tụng tốt đẹp. Mọi người cùng nhau tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, còn con cháu ríu rít bên ông bà. Sau khi cúng gia tiên, cả nhà cùng nhau ra vườn hái lộc đầu xuân” - anh Danh chia sẻ.

Hoài niệm vị tết của những ngày thơ ấu, chị Phạm Thị Ngọc Hiền (27 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) nói: “Tết với tôi là thời gian để họp mặt, sum vầy gia đình. Cùng nhau ngắm pháo hoa, lặt lá để hoa mai kịp nở vào ngày tết , phụ bà gói bánh tét, nấu các món ăn ngày tết, cùng mẹ đi chợ tết, mua quần áo mới,...”.

Gia đình chị thường đón tết tại nhà, cứ đêm giao thừa là mọi người quây quần chờ xem bắn pháo hoa, bày biện mâm cúng và dành cho nhau những lời chúc bình an.

Chị Phạm Thị Ngọc Hiền (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) diện áo dài truyền thống trong dịp Tết Cổ truyền

Những năm sau này, khi công nghệ thông tin phát triển và có nhiều lo toan hơn trong cuộc sống, cách chị Hiền đón tết cũng thay đổi đôi chút. Chị nhận định về những tích cực mà mạng xã hội, Internet mang lại: “Mạng xã hội, Internet giúp người xa quê dễ dàng gửi lời chúc tết, gọi video hoặc chia sẻ khoảnh khắc với gia đình và bạn bè dù không thể về nhà. Ngoài ra, tôi có thể chụp ảnh và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp trong ngày tết. Đặc biệt, tôi có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm đồ tết qua các ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội”.

Nói thêm về dự định đón tết trong năm nay, chị Hiền cho biết sẽ thực hiện đầy đủ các phong tục truyền thống, kết hợp cách đón tết hiện đại như sử dụng dịch vụ gửi lì xì online (qua MoMo, ZaloPay) để trao lộc đầu năm.

Dù qua bao đổi thay, những giá trị cốt lõi của tết truyền thống vẫn được người Việt gìn giữ và trân trọng. Tết không chỉ là dịp để sum họp gia đình mà còn là dịp để ta sống chậm lại, cảm nhận những điều giản dị và ấm áp trong cuộc sống./.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết