Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học dịch thuật vào tháng 10/2024, các chuyên gia y tế phát hiện ra rằng những người ưa thích đồ ngọt có lượng đường trong máu và chất béo (lipid) cao hơn, có thể gây ra các bệnh về chuyển hóa và trao đổi chất.
Mặt khác, những người có thói quen ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý có dấu hiệu giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, theo Healthline.
Đồ ngọt ngon miệng, bắt mắt nhưng có thể làm tăng đường, chất béo trong cơ thể (ẢNH: NHƯ QUYÊN)
Đường và tinh bột là "thủ phạm" chính
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ các mẫu máu được lấy từ ngân hàng sinh học Biobank (Anh), phân ra 3 nhóm riêng biệt dựa trên sở thích ăn uống.
Nhóm 1: Có ý thức về sức khỏe (thích ăn rau và trái cây tươi).
Nhóm 2: Thích tất cả các loại thực phẩm.
Nhóm 3: Khẩu vị thiên ngọt (yêu thích thực phẩm và đồ uống ngọt).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người trong nhóm 3 có nhiều protein phản ứng C hơn, một dấu hiệu của việc dễ mắc phải các tình trạng viêm. Nhóm chuyên gia đồng thời nhận thấy rằng đồ ngọt còn liên quan đến khả năng mắc các bệnh trầm cảm, tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn hẳn so với 2 nhóm còn lại.
Mặt khác, nhóm 1 giảm được đáng kể nguy cơ suy tim, bệnh thận mãn tính và đột quỵ, còn nhóm 2 chỉ có một số rủi ro về sức khỏe ở mức độ vừa phải.
Khi tiêu thụ đường, lượng đường trong máu tăng lên, từ đó làm tăng lượng insulin. Việc tiêu thụ các thực phẩm có chứa glucose (đường) quá cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, đó là nguyên nhân chính của các bệnh chuyển hóa như tiểu đường loại 2, theo Healthline.
Bên cạnh đó, ăn nhiều đường và carbohydrate (tinh bột) cũng có thể gây viêm, ảnh hưởng đến chức năng tim, tăng nguy cơ đột quỵ, thậm chí dẫn tới các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Yến mạch trộn hạt nguyên cám có chất xơ cao, tốt cho thực đơn buổi sáng với người kiêng đường (ẢNH: PEXELS)
Cách giảm mức tiêu thụ đường hiệu quả
Tiến sĩ - bác sĩ Ramit Singh Sambyal (Ấn Độ) nói rằng việc giảm mức tiêu thụ đường không phải là một chuyện quá sức, mà chính những thay đổi nhỏ dần dần có thể tạo ra được sự khác biệt lớn.
Bước đầu tiên khi muốn cắt giảm đường, người dùng phải nhận thức được tất cả những thực phẩm có khả năng chứa đường được bán trên thị trường.
Bác sĩ Sambyal đề nghị mọi người nên xem kỹ nhãn thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm như nước chấm, nước sốt salad và kể cả các loại sữa chua có vị.
Một cách khác trong việc giảm mức tiêu thụ đường chính là tập ăn trái cây như táo và quả mọng vào bữa xế, thay vì lấy một thanh kẹo hoặc đồ ăn nhẹ có đường hóa học. Trái cây cung cấp vị ngọt tự nhiên và chất xơ, giúp ổn định lượng đường trong máu. Tuy nhiên, việc này có thể thực hiện dần dần theo thời gian để thành thói quen, vì nếu thay đổi ngay lập tức, khả năng cao sẽ có tác dụng ngược.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên điều chỉnh các thói quen nhỏ hằng ngày như sử dụng ít đường hơn trong cà phê, chọn ngũ cốc nguyên hạt hoặc nguyên cám thay vì ngũ cốc có đường thông thường. Điều này giúp dễ quản lý và theo đuổi lối dinh dưỡng lành mạnh bền vững hơn.
Cuối cùng, bác sĩ Sambyal khuyên mọi người nên xem xét và cân nhắc bất kỳ đồ uống có đường nào mà mình thường xuyên lựa chọn. Chuyển sang nước lọc hoặc trà thảo dược cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho cơ thể.
“Mặc dù việc cắt giảm đường có thể dẫn đến một số triệu chứng tạm thời như mệt mỏi, đau đầu hay khó tập trung, nhưng nên yên tâm vì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn trong vài tuần sau đó”, bác sĩ Sambyal nói./.
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/an-nhieu-do-ngot-nguy-co-mac-tieu-duong-chuyen-gia-chi-cach-giam-duong-hieu-qua-185241025122509344.htm