Tiếng Việt | English

26/04/2022 - 12:15

An Ninh Tây: Xã nông thôn mới nâng cao ngày càng khởi sắc

Về đích xã nông thôn mới (NTM) năm 2015, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân để nângchất các tiêu chí (TC), xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020.

Chọn hạ tầng giao thông làm khâu đột phá

Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây - Đào Văn Khua cho biết: Trong xây dựng NTM nâng cao, Đảng bộ xã chọn TC giao thông làm khâu đột phá. Địa phương huy động mọi nguồn lực, cùng sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo huyện, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện. Nếu như năm 2015, toàn xã có trên 87% đường trục xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, đường trục ấp và đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 7,5% thì hiện nay, 2 tuyến đường xã đều được nhựa hóa, đạt 100% với chiều dài 8,1km; 21 tuyến đường trục ấp dài 39,3km được bêtông hóa và cứng hóa, nền đường rộng 5 - 9m, mặt đường từ 3 - 3,5m. Đường ngõ xóm và trục chính nội đồng được cứng hóa bằng bêtông hoặc đá cấp phối đạt 100%, đảm bảo cho người dân đi lại, giao thương thuận lợi, dễ dàng. Đây là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đổi thay của vùng nông thôn An Ninh Tây.

An Ninh Tây đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao năm 2020

Ông Nguyễn Văn Hổ - người dân địa phương, phấn khởi nói: “Từ ngày đường giao thông được đầu tư, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên rất nhiều. Trước đây, muốn mua bán lúa phải đi 2 - 3 chặng xe hoặc phải thuê ghe chở nhưng bây giờ, xe chạy đến tận nhà thu mua thuận tiện”.

Chương trình đầu tư hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn tại xã An Ninh Tây được huy động nguồn vốn rất lớn để thực hiện - gần 160 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách gần 150 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp và người dân đóng góp gần 10 tỉ đồng.

Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn

Là xã thuần nông với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 83% tổng diện tích tự nhiên của xã, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chính trong cơ cấu kinh tế. Vì vậy, bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, để đạt TC xã nông thôn mới nâng cao, các nghị quyết chuyên đề do Đảng ủy xã ban hành đều chú trọng công tác lãnh đạo để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Khó khăn của địa phương là sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ, lẻ, còn hạn chế trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đầu ra sản phẩm chưa ổn định,...

Xác định rõ điều đó, xã đẩy mạnh công tác phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; vận động thành lập các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác. An Ninh Tây cũng là một trong những xã được thụ hưởng chương trình đầu tư phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao của huyện. Nhờ vậy, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp có bước tăng trưởng vượt bậc, năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi đều được cải thiện và đạt giá trị cao.

Trong đó, nổi bật là sự chủ động của người dân trong tham gia mô hình sản xuất lúa sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao An Long, áp dụng công nghệ dùng phân bón Nano, sản xuất 10ha lúa sạch bằng phân hữu cơ, sản lượng bình quân 100 tấn/năm, doanh thu đạt 300 triệu đồng/năm. Ông Phan Lê Phong Phú - thành viên Hợp tác xã An Long, cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống lúa, phân thuốc, ấn định giá thu mua hợp lý nên an tâm sản xuất”.

Chương trình đường giao thông nông thôn được chọn là khâu đột phá trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Đối với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thành lập các tổ hợp tác để từng bước thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như Tổ hợp tác trồng rau màu, Tổ sản xuất lúa sạch ứng dụng công nghệ cao. Các tổ sản xuất đều có đầu ra ổn định cho nông sản. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trên 258 triệu đồng.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp đầu tư cơ giới hóa, hình thành các cánh đồng lúa chất lượng cao đã góp phần giúp đời sống người dân không ngừng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 đạt 65,03 triệu đồng, tăng 37,4 triệu đồng so với năm 2015 - thời điểm được công nhận xã NTM. Xã hiện còn 27 hộ nghèo, chiếm 0,9%.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong xây dựng NTM nâng cao tại An Ninh Tây là chương trình đưa nước sạch về vùng nông thôn. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 trạm cung cấp nước sinh hoạt, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có gần 82% hộ dân sử dụng nước sạch. Giai đoạn tới, xã tiếp tục mở rộng hệ thống cấp nước để tăng tỷ lệ cấp nước sạch bao phủ cho hộ dân trên địa bàn.

Phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường văn hóa, xanh, sạch, đẹp. Các câu lạc bộ thanh niên, mô hình Phụ nữ vì môi trường được thành lập với nhiều thành viên tham gia giữ gìn đường quê xanh, sạch, đẹp, hình thành những con đường hoa tự quản, vận động người dân không xả rác bừa bãi, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cổng rào hoặc làm hàng rào cây xanh. Các tuyến đường huyện và xã đều được lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Xã đã triển khai mô hình Ánh sáng văn hóa, an ninh, trật tự, lắp đặt 401 bóng đèn điện trên đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài trên 29km, kinh phí do người dân đóng góp trên 202 triệu đồng.

Với sự năng động, sáng tạo và sự đồng lòng, góp sức của người dân, An Ninh Tây đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, về đích xã NTM nâng cao đúng hẹn. Đây tiếp tục là "đòn bẩy" để địa phương vươn xa hơn, sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã An Ninh Tây đã huy động tổng nguồn lực thực hiện trên 268 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm 88,6% với hơn 237 tỉ đồng, Người dân đóng góp hơn 20 tỉ đồng, nguồn vận động doanh nghiệp trên 5,2 tỉ đồng.

Hồng Thắm

Chia sẻ bài viết