Tiếng Việt | English

28/03/2018 - 11:06

An toàn giao thông cho trẻ em - Những điều cần làm ngay

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phát động Năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” với quyết tâm kéo giảm từ 10% trở lên số tai nạn giao thông (TNGT) đối với trẻ em so năm 2017. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự tham gia của toàn xã hội, nhất là nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về ATGT trong việc giáo dục trẻ em tại trường học và gia đình.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Honda Tâm Phong hướng dẫn kỹ thuật lái xe an toàn cho học sinh trên mô hình. Ảnh: Thanh Hiểu

Vẫn còn vi phạm

Năm 2017, Long An kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí so với năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 250 vụ TNGT (giảm 60 vụ) làm 134 người chết (giảm 15 người), 210 người bị thương (giảm 65 người). Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm qua, có 19 học sinh vi phạm luật giao thông, chết 4 em, bị thương 18 em. Đó là những con số đau lòng!

Việc giáo dục kiến thức, pháp luật về ATGT cho học sinh có ý nghĩa quan trọng, giúp các em chấp hành tốt luật giao thông và vận động gia đình cùng chấp hành. Tuy nhiên, hiện nay, ở các xã vùng sâu, nhiều học sinh điều khiển xe môtô phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Đây là trách nhiệm của phụ huynh.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Bình, huyện Bến Lức - Thái Minh Sang thông tin: “Mặc dù biết có tình trạng học sinh điều khiển xe môtô phân khối lớn khi chưa đủ tuổi nhưng thầy cô chỉ nhắc nhở vì các em không chạy xe đến trường nên rất khó trong việc trách phạt, hạ hạnh kiểm. Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các em chấp hành luật giao thông nhưng để đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp của gia đình trong quản lý con em”.

Thực tế, nhiều học sinh, nhất là học sinh nông thôn chưa chấp hành tốt luật giao thông, còn đi ngược chiều, đi xe đạp điện không đội nón bảo hiểm (NBH), dàn hàng ngang, không quan sát khi qua đường. Một số em điều khiển xe đạp điện phóng nhanh, vượt ẩu, rất nguy hiểm.

Phụ huynh không chấp hành đội nón bảo hiểm cho con

Phụ huynh không chấp hành đội nón bảo hiểm cho con

Ông Phạm Văn Đực, ngụ ấp 2, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, cho biết: “Tôi hành nghề chạy xe Honda ôm, thường xuyên đưa rước học sinh ở Trường THCS Lương Bình, có bữa gấp quá không kịp lấy NBH cho cháu. Những lần như vậy, tôi rất lo lắng!”. Thực tế, rất nhiều phụ huynh đưa rước con em bằng môtô, xe máy nhưng lại không đội NBH cho các em, nhất là đối với học sinh tiểu học.

Một số học sinh THCS, THPT điều khiển môtô phân khối lớn đi học khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và gửi xe tại các quán giải khát bên ngoài trường nhằm tránh sự kiểm soát của thầy cô. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lạc - Phan Thị Phương Thủy cho biết: “Nhiều em nhà xa trường nên sử dụng xe môtô, xe máy của gia đình đi học. Tuy các em không gửi xe trong khuôn viên trường nhưng trường cử giáo viên quan tâm, theo dõi, nhắc nhở các em phải chấp hành luật giao thông. Với các em đủ 18 tuổi, trường vận động các em thi lấy giấy phép lái xe”.

Bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em, học sinh

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An - Trương Tấn Hồng cho biết: “Công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nhất là phòng ngừa TNGT cho gần 2.000 học sinh của trường là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi giáo viên. Năm nay, ngành giáo dục chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho học sinh về ATGT. Nhà trường phối hợp chặt chẽ Đảng ủy, chính quyền và Công an phường 2, TP.Tân An làm tốt việc bảo đảm trật tự, ATGT trước cổng trường. Yêu cầu phụ huynh đưa rước học sinh cam kết chấp hành nghiêm quy định về ATGT.”

Trường Tiểu học Tân An là một trong những điển hình về công tác phòng ngừa TNGT cho trẻ em, học sinh. Trường thường xuyên phối hợp Công ty Honda Đông Phương tuyên truyền các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Nhiều trường học khác cũng mời các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông đến tuyên truyền về luật giao thông.

Em Huỳnh Quang Minh, học lớp 2, Trường Tiểu học Tân An, cho biết: “Ở trường, con được thầy cô dạy phải đội NBH khi ngồi trên xe môtô, xe máy. Khi xem tivi, thấy nhiều người bị TNGT, con rất sợ!”.

Phụ huynh của em Minh cũng cho rằng: “Việc đội NBH cho trẻ em là rất cần thiết, tôi luôn chấp hành việc đội NBH cho con khi cháu ngồi trên môtô, xe máy”.

Theo Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân An, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của học sinh, Ban ATGT tỉnh, ngành chức năng cần cung cấp nhiều panô, áp-phích, hình ảnh tuyên truyền trực quan. Hiện nay, toàn trường chỉ có vài trăm quyển sách tuyên truyền về Luật Giao thông, chưa đủ phân phát cho tất cả học sinh.

Em Nguyễn Thị Hồng Đào - học sinh lớp 8/3, Trường THCS Lương Bình, chia sẻ: “Nhà gần trường nên em thường đi bộ, trong lớp, em cũng được thầy chỉ dạy về cách đi bộ an toàn, tuy nhiên, em thấy nhiều bạn cũng hay quên, có bạn đi xe đạp vẫn thường đi ngược chiều”.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Honda Tâm Phong hướng dẫn học sinh đội nón bảo hiểm đúng quy định. Ảnh: Thanh Hiểu

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là ngôi trường lớn ở ngay trung tâm TP.Tân An. Để bảo đảm ATGT cho học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường thường phối hợp ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về ATGT cho học sinh. Đầu năm 2018, trường phối hợp Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an thành phố và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Honda Tâm Phong tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh với chủ đề “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, đồng thời, cảnh báo nhiều vụ TNGT xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông.

Dịp này, học sinh và giáo viên của trường được nhân viên Công ty Tâm Phong hướng dẫn cách ngồi sau xe đạp, xe máy; cách đội NBH an toàn, đúng cách và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Đây là phương pháp hiệu quả, giúp giáo viên và học sinh biết cách tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Honda Tâm Phong hướng dẫn học sinh lái xe an toàn và đội nón

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Honda Tâm Phong hướng dẫn học sinh lái xe an toàn. Ảnh: Thanh Hiểu

Năm 2018, tỉnh chú trọng công tác xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong học đường, xây dựng ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong thanh, thiếu niên.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thanh Phong cho biết: “Toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT cho học sinh, trong đó, đổi mới phương thức giáo dục, tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi, tiếp tục triển khai cuộc thi “Giao thông học đường”, các trường học phối chặt chẽ ban đại diện cha mẹ học sinh nhắc nhở, giáo dục con em mình chấp hành nghiêm các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông. Ngành phối hợp chặt chẽ Ban ATGT các cấp tiếp tục triển khai “Tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giai đoạn 2013-2018”./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết